Truyện ngắn: Mật mã






Mật mã

I.

Mấy ngày nay Oanh đi về thui thủi một mình. Long, chồng của Oanh đi công tác xa, nghe đâu phải tháp tùng theo giám đốc Kiên ký một hợp đồng quan trọng gì đó. Long năm nay đã ba mươi tám tuổi, nhưng sức sống và ý tưởng của anh vẫn còn rất trẻ trung. Là một người tài hoa lại luôn có những sáng kiến độc đáo, Long đã trở thành cánh tay phải của giám đốc lúc nào không hay. Giám đốc Kiên ngày càng quí trọng Long hơn. Và trong mắt của vị thủ trưởng này chiếc ghế phó giám đốc không sớm thì muộn cũng sẽ thuộc về Long, người trợ thủ đắc lực của ông.


Long là một người chồng tốt. Đối với Oanh hầu như anh không có một cái gì để phải gọi là xấu. Nhiều đêm sau những buổi tiệc nhậu với các anh em trong cơ quan, Long trở về nhà trong trạng thái say xỉn, nhưng anh chỉ lẳng lặng đi nằm trong sự chăm sóc kèm theo những lời cằn nhằn của vợ.

Long và Oanh quen nhau từ sau một vụ... đụng xe! Hai người khi ấy đã cãi nhau rất dữ thậm chí còn nặng lời với nhau nữa. Lỗi là do Oanh. Xe cô vượt qua xe của Long rồi quẹo phải đột ngột khiến Long thắng không kịp. Kết quả là hai chiếc Dream cùng bị hư hỏng nặng. Oanh với bản tính ngang bướng đã lên tiếng xỉ vả Long giữa chốn đông người không tiếc lời. Cho đến khi Oanh phát hiện mặt của mình đầy máu thì cô sợ quá... té xỉu! Tỉnh dậy, Oanh mới hay cô đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Còn người đang chăm sóc cho cô lại là cái gã khù khờ đáng ghét kia. Kẻ đã tông xe vào xe của cô khiến cô phải té ngã. Thế rồi họ... yêu nhau. Nửa năm sau thì cả hai làm đám cưới.

Oanh rất yêu chồng. Suốt năm năm chung sống với Long, điều cô ân hận nhất chính là việc cho đến giờ họ vẫn chưa có con. Lúc đầu Oanh cứ nghĩ rằng chồng của mình có “vấn đề”. Nhưng tháng trước khi cả hai vợ chồng cùng đi khám bác sĩ, cô mới hay cái “trục trặc” ấy là do ở cô. Long rất buồn nhưng không dám trách vợ. Oanh cũng không khá gì hơn. Có nhiều đêm cô lén chồng thức trắng, nuốt từng giọt nước mắt vào tim.

Oanh biết mình không đẹp, nhưng theo Long thì anh yêu cô bởi đôi mắt, nhất là khi đôi mắt cô ngấn lệ. “Thế anh chỉ muốn em khóc suốt đời bên anh thôi sao?”. “Dĩ nhiên là không,nhưng nếu hoa hồng có chút giọt nước mắt như hạt sương mai buổi sớm thì vẫn đẹp và vẫn lãng mạn hơn chứ!”. Oanh không thích kiểu lý giải ấy của Long. Song được chồng ví mình với hoa hồng, cô rất vui. Không ngờ suốt bốn tuần nay hoa hồng đã đẫm nước mắt thật mà Long vẫn không hay! Chẳng biết tâm sự cùng ai Oanh đành thổ lộ với Nga, cô bạn thân từ nhỏ...

Nga khuyên Oanh nên bàn với Long xin con nuôi. Biết lời khuyên rất hợp lý nhưng Oanh vẫn còn băn khoăn vì đó là kế cùng kiệt, chỉ dành cho những kẻ vô sinh... Đã mấy lần Oanh tính mở lời với chồng nhưng lại ngại nên thôi... Sau đó thì Long đi công tác xa... Oanh nghĩ cũng là dịp may, giúp cô thêm thời gian để có thể nghiền ngẫm tìm một phương sách hợp lý hơn...

Tối nay đi siêu thị Oanh cũng không nhớ mình đã dự tính nấu món gì và đã mua những thức ăn gì. Đến khi bày thức ăn lên bếp Oanh mới thấy có cà chua dồn mực, có xà lách, có tôm,... Thì ra cô tính nấu món cà chua dồn mực nướng là một trong những món mà Long thích ăn. Có lẽ mình lẩn thẩn, anh ấy có nhà đâu... Oanh nghĩ thầm.

Long và Oanh thuộc mẫu vợ chồng có thói quen ăn uống trái ngược nhau, chồng nam vợ bắc. Oanh thích uống trà nóng thật đậm còn Long chỉ thích trà loãng pha đá. Oanh mê ăn thịt chó còn Long khoái khẩu với món khô chuột đồng. Ngay cả đi ăn phở chung, hai vợ chồng cũng có cách nêm gia vị khác nhau. Long thì vãi tương đỏ, tương đen rồi thêm rau, thêm giá trụng lấp đầy lên cả tô phở, trong khi Oanh chỉ cần rưới một chút nước mắm là đủ. Thấy Long ngạc nhiên, Oanh giải thích:

- Gia đình em vẫn có thói quen ăn phở như vậy. Từ nhỏ em đã được bố em giảng giải nhiều lần cho em hiểu ăn phở không phải chỉ là ăn phở. Thật ra chúng ta ăn là ăn cái hương cái hoa của phở. Anh xem tô phở ngon, thơm ngào ngạt và được trình bày đẹp mắt như thế này anh lại nỡ vấy những vết tương đỏ, tương đen lên chẳng khác nào như những vết mực xám xịt thì còn gì là mỹ thuật của nghệ thuật ẩm thực nữa? Đó là chưa kể còn nào là rau, còn nào là giá trụng. Thấy tô phở của anh, em “ngộp” lắm!

- Ăn phở mà phải phức tạp đến thế sao em? – Long than.

- Thế những lời em vừa nói anh không cảm thấy hợp lý sao?

Long đồng ý với vợ nhưng vẫn giữ thói quen ăn uống cũ. Anh lý luận mỗi người có khẩu vị khác nhau,không thể ép được. Món cà chua dồn mực nướng này cũng thế. Long rất thích ăn nhưng Oanh lại không ưa. Thế mà họ vẫn yêu nhau, vẫn lấy nhau và sống chung với nhau được. Đó là duyên nợ, là tinh yêu... Oanh đã từng nghe Nga nhiều lần nói như vậy.

Nấu cơm xong, buồn buồn chẳng biết làm gì, Oanh đành ngồi vào máy vi tính. Mấy hôm nay xem ti vi rồi lại xem phim đĩa cô hầu như không cảm nhận được một chút hứng thú nào. Chỉ thấy toàn tẻ nhạt với tẻ nhạt. Phim Hàn Quốc đang chiếu trên ti vi là phim Nấc thang lên thiên đường, chỉ đầy nước mắt. Tình yêu nam nữ lẩn quẩn. Nhân vật nữ phản diện thì lọc lừa sắc sảo, còn nhân vật nữ chính thì bị “ngu” hơi nhiều. Cô ta chỉ biết khóc. Khi bị mẹ ghẻ đánh: khóc. Khi bị con riêng của mẹ ghẻ đối xử tệ: khóc. Khi cha ruột đến thăm hỏi: khóc. Cha không cho đi du học: khóc. Biết mình bị bệnh: khóc, khi làm người “cao thượng” nhường người yêu cho cô con gái riêng của mẹ ghẻ: khóc... Khóc trong phòng ngủ, khóc trong nhà, khóc trong rạp hát, khóc ngoài công viên, khóc ngoài đường... Ngồi khóc, nằm khóc, chạy khóc, vừa đi vừa khóc, ăn khóc, cười khóc... Mà không phải chỉ một mình cô ta khóc, còn có ít nhất hai nhân vật nam nữa trong phim cũng cùng hè nhau khóc... Tóm lại khóc mọi lúc mọi nơi! Chưa coi hết nhưng cũng có thể đoán được đoạn kết phim thế nào cũng có người bị bệnh ung thư, một trong những căn bệnh thường làm “chết” các nhân vật chính trong các phim bộ của Hàn Quốc!

Còn phim đĩa Mỹ là phim ma cũng u ám không kém. Phim kể một nhóm bạn nam nữ tám người cùng các khán giả khác vào rạp xem phim. Một lũ ma quỉ tóc tai rũ rượi xuất hiện, cứ hễ chúng cắn vào người nào thì người ấy lại bị truyền nọc độc biến thành ma... Tám nhân vật chính cùng mọi người chiến đấu rất dữ dội. Cuối cùng chỉ có bốn người thoát ra khỏi rạp hát. Nhưng khủng khiếp thay, họ lần lượt phát hiện ra cả khu phố rồi cả thành phố đều đã bị biến thành ma! Cảnh sau cùng của phim là cảnh hai người duy nhất còn sót lại của thành phố hãi hùng, đang bị lũ ma quỉ rượt đuổi sau lưng, dắt tay nhau chạy trốn về hướng mặt trời mọc... Coi phim nào cũng thật là xúi quẩy!

Lướt qua hàng loạt các trang web mà hồn của Oanh cứ để ở đâu đâu. Cô lại nhớ đến chồng, nhớ đến đứa con nuôi đã bàn với Nga. Xin con nuôi liệu có tiện không? Sau này nếu biết vợ chồng mình là cha mẹ nuôi của nó, lớn lên nó có còn hiếu để nữa không? Trên các báo vẫn đăng nhan nhản các tin không hay về các đứa con bất hiếu đối với cha mẹ ruột. Hôm kia là tin một đứa con bị đưa ra tòa vì tội danh không chịu phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ đã lớn tuổi. Đã vậy y còn lén bán đất, bán nhà để đem tiền đi đánh bạc. Hôm qua lại có một tin khác, một đứa con khi nhậu say đã về nhà đánh vợ và đánh cả mẹ già là một bà cụ đã tám mươi tuổi. Con ruột còn như thế huống chi là con nuôi? Càng nghĩ Oanh càng cảm thấy bi quan bế tắc. Bỗng một giọt nước mắt rơi vỡ lạnh tan trên bàn phím...

Oanh sực nhớ là mấy hôm nay cô chưa vào hộp thư để xem có nhận được e-mail nào mới của chồng hay không? Trước khi đi Long có hứa cứ hai ngày anh sẽ “meo” cho vợ một lần. Quệt nước mắt Oanh nhìn lên màn hình rồi lẳng lặng gõ bàn phím để vào Yahoo.com, truy nhập hộp thư điện tử của mình.

Yahoo! ID: hoangoanh

Password (mật mã): nguyenvanlong

Oanh mỉm cười. Lấy tên họ chồng làm password luôn là niềm tự hào minh chứng cho tình yêu của cô. Có tất cả ba e-mail đều là của Long gởi. Cả ba e-mail đều có chung một nội dung: “Nhớ em nhiều. Anh yêu em lắm!”. Thư gì đâu mà ngắn quá trời, đọc không thỏa mãn! Đã vậy còn giống nhau nữa chứ. Đúng là số lượng đã tồi, chất lượng cũng kém. Đức ông chồng của mình dạo này ngày càng lười ra. Viết thư cho vợ mà cứ như trả nợ quỉ thần vậy! Oanh rủa thầm.

Nhớ ngày hai người mới quen nhau, Long đã thức suốt đêm viết cho Oanh một lá thư tỏ tình dài hơn sáu trang giấy! Lúc đầu Oanh cũng có hơi tức cười nhưng sau đó cô đã ép lá thư vào tập và gìn giữ làm kỷ niệm cho đến tận giờ. Nếu nhắm mắt lại, Oanh vẫn còn có thể đọc được nhiều đoạn đáng nhớ trong lá thư đầy ngô nghê của chồng lúc ấy. Hình như khi mới quen nhau các đôi tình nhân đều giữ ý nói khá ít, bù lại họ viết cho nhau thật nhiều. Nhưng sau khi đã là vợ chồng họ lại thích nói nhiều để tranh nhau áp đặt ý kiến của mình, còn viết cho nhau thì ngày càng ngắn đi.

Không hiểu Long khi “meo” cho người khác có “ngắn gọn” như vậy không? Hay là nhân lúc Long không có ở nhà mình thử truy nhập lén vào hộp thư của ảnh xem trong đó có chứa đựng những gì? Oanh chợt thấy ngường ngượng. Hơn năm năm làm vợ cô chưa bao giờ lục lọi vào góc riêng tư của chồng. Thậm chí có lần Oanh đã từng tuyên bố hùng hồn với các cô bạn là cô không bao giờ thèm để ý đến mọi giấy tờ, thư từ dù cũ hay mới của Long. Oanh rất tâm đắc điều này. Vì theo cô đó mới chính là bí quyết chính để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Người vợ phải biết tự trọng đừng nên ghen bóng ghen gió. Thế mà bây giờ... Mặc kệ, mình cứ vào thử xem! Bản tính ngang tàng bướng bỉnh trong con người của Oanh lại trỗi dậy. Cô gõ mười ngón tay trắng trẻo lên bàn phím, miệng cười mỉm lẩm bẩm một mình: “Thiệt thà, trung thực thường thua thiệt. Lọc lừa, luồn lách lẹ lên lương!”. Thế nhưng mật mã hộp thư của ảnh như thế nào đây? Oanh tự tin gõ thử “hoangoanh” rồi lại “lethihoangoanh” nhưng đều không ăn thua! Lạ nhỉ, không lấy tên vợ làm mật mã thì mật mã hộp thư của đức ông chồng mình sẽ là cái quỷ quái gì? Bị bất ngờ Oanh càu nhàu cho đỡ tức. Thế mà cũng dám mở miệng nói tên Oanh là cái tên sẽ làm anh nhớ suốt đời! Đàn ông thật sự chỉ là một lũ láo toét!

Oanh chợt nghĩ đến công viên Đầm Sen, nơi hai người có rất nhiều kỷ niệm. Họ gặp nhau lần đầu, tông xe vào nhau, cãi vã nhau rồi đưa nhau đi cấp cứu cũng là từ ở Đầm Sen. Nhắc đến Đầm Sen, Oanh lại mỉm cười lặng lẽ. Còn nhớ hôm ấy cô đã giận dữ mắng xa xả vào mặt Long: “Anh là đồ mắt đui! Có đui mới lái xe ẩu như vậy! Mai mốt lấy vợ nhớ kiếm mấy cô mắt cũng đui như anh mà lấy!”. Thật không ngờ quả đất lại quá tròn... Khi đã yêu nhau họ hẹn nhau đi chơi buổi đầu tiên cũng là hẹn ở Đầm Sen. Đặc biệt đám cưới của Long và Oanh cũng được tổ chức ở Đầm Sen. Từ đó đến nay Đầm Sen luôn luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt trong tâm hồn và tiềm thức của cả hai vợ chồng cô. Thậm chí trước kia khi bàn việc đặt tên con, Long đã từng đề nghị với vợ, nếu sinh con gái tên sẽ là Nguyễn Thị Đầm Sen cho tình nghĩa vợ chồng càng thêm đậm đà! Chồng của cô đã coi trọng hai từ Đầm Sen đến như vậy, nếu không phải là Đầm Sen thì thử hỏi còn từ nào có ý nghĩa hơn được chứ? Oanh điềm tĩnh gõ “damsen”. Không đúng! Cô cẩn thận gõ lại “congviendamsen”. Cũng sai! Vậy thì thử “nguyenthidamsen” xem sao... Màn hình vẫn báo lỗi! Bực tức Oanh đập mạnh bàn tay xuống bàn phím...

Sau một lúc thật lâu để cố gắng tự trấn tĩnh, Oanh chợt nhớ trước đây cô có đọc một cuốn sách nào đó, nói người đàn ông thường chỉ nhớ được hai ngày trọng đại nhất trong cuộc đời của mình. Hai ngày đó là ngày sinh và ngày lấy vợ của người đàn ông. Theo tác giả cuốn sách, ngày sinh là ngày người đàn ông sinh ra. Còn ngày cưới là ngày ông ta tự chôn mình! Đúng là nhảm nhí! Chắc tác giả cuốn sách này thù ghét phụ nữ lắm đây! Khi đó Oanh đã nghĩ như vậy. Nhưng sau này cô nhận thấy ông ta nói cũng có lý phần nào. Dĩ nhiên sự nhận định của Oanh hoàn toàn khác với ông ta. Theo cô,ngày lấy vợ là ngày người đàn ông được sinh ra lần thứ hai. Vì cũng từ hôm đó anh ta đã có thêm “một cái máy giặt biết đi” bên cạnh quản lý anh ta suốt đời! Năm năm chung sống với nhau là cả năm lần Long đều mua hoa tặng cho vợ nhân kỷ niệm ngày cưới. Trong đó có vài lần Oanh đã cảm động đến nghẹn ngào muốn khóc. Do quá bận bịu công việc nên cô đã quên mất ngày mình lên xe hoa không biết tự lúc nào...

Oanh thận trọng nhập vào phần mật mã những con số chi chít khó nhớ. Đầu tiên là ngày sinh của Long. Sai! Cô nhập tiếp ngày cưới. Vẫn sai! Oanh lại kiên nhẫn gõ thử sinh nhật của cô. Vẫn sai! Rồi ngày đám hỏi. Vẫn tiếp tục sai!... Cho đến lúc này Oanh hoảng loạn thật sự. Cô hoàn toàn đã mất tự tin. Một Oanh thường ngày điềm đạm và đầy bản lĩnh đã biến mất. Cô nhập số không chính xác, khi kiểm lại thấy cứ sai loạn xạ cả lên. Mồ hôi Oanh bắt đầu rịn ra ở trán thành giọt. Mặc dù máy lạnh trong phòng đang chạy đều, lưng áo của cô vẫn ướt đẫm. Không ngờ chỉ có một hộp thư điện tử nhỏ bé này thôi lại có thể làm khó được mình! Chịu thua nó à? Không đời nào! Mình phải cố tìm cho bằng được xem chồng mình đã đặt mật mã cho nó là cái quái quỉ gì đây?

Oanh hít thật sâu, cố gắng giữ bình tĩnh trở lại... Khoan, nhiều khi sự thông minh quá cũng không nên! Mình hãy thử nghĩ đến những cái gì tầm thường nhất, vặt vãnh nhất. Biết đâu chiếc chìa khóa mật mã lại có thể nằm ở trong đó cũng nên? Oanh bắt đầu đi ngược thời gian hồi tưởng lại từ những tháng ngày khi cô mới quen Long. Hôm nằm ở phòng cấp cứu mình nằm ở bệnh viện nào nhỉ? Phòng số mấy? Giường số mấy? Bác sĩ tên gì? Y tá tên gì? Hộ lý tên gì? Món ăn mà Long mua cho mình ăn tối hôm đó hình như là món cháo cá phải không? À quên nữa, ngày xảy ra tai nạn là ngày mấy nhỉ? Trước khi xảy ra tai nạn mình mặc áo gì? Màu gì? Xe mình và Long đi tông vào nhau đều là xe Dream II?... Oanh cứ tuần tự nhớ lại, đặt câu hỏi, tìm giải đáp và kiên nhẫn gõ thử lên bàn phím. Đầu cô nhức bưng bưng vì bộ nhớ phải làm việc cật lực để lục tìm quá khứ. Mặc kệ, thử mật mã này xem. Vẫn không đúng ư?... Nào,sáng hôm sau Long đến thăm mình lúc mấy giờ? Ảnh mặc áo gì? Hình như ảnh có mang theo cam và sữa? Mẹ mình gặp Long lúc nào? Mẹ đã nói gì? Hình như mẹ mình có khen anh ấy hiền và dễ thương như con gái? À quên nữa, mình đã mắng Long và gọi anh ấy bằng những “từ” gì nhỉ?... Nhập mật mã này xem sao! Như thế mà vẫn sai sao?...

Không biết đã ngồi mất bao lâu, Oanh mỏi mệt ưỡn người đứng dậy. Cô vén chiếc rèm màu hồng tím nhìn ra ngoài cửa sổ. Bỗng Oanh giật nảy mình khi trông thấy những tia nắng hồng lấp loáng trên mặt đường. Cô nhìn lên đồng hồ treo trên tường, đã hơn sáu giờ sáng! Hóa ra cô đã thức suốt đêm hôm qua để rị mọ tìm mật mã truy nhập hộp thư điện tử của chồng... Mật mã vẫn là ẩn số mù mịt! Oanh có lẽ đành phải chịu thua cuộc. Suốt hơn bảy tiếng đồng hồ cô đã hao tốn rất nhiều trí lực và tâm lực mà vẫn không giải được bài toán nát óc này. Hay là đợi Long về để hỏi cho biết vậy. Phải cho ảnh ăn đòn mới được. Đặt mật mã gì khó quá trời để vợ tìm cả đêm mà vẫn chưa ra! Hừm, mà... cũng không được! Ảnh sẽ coi thường mình! Rồi lại lên mặt dương dương tự đắc cho mà xem. Chỉ là chuyện nhỏ mà em không tìm ra à, con bồ câu bé nhỏ của anh? Thật đáng ghét!... Hãy đợi đấy, mình sẽ lại tìm mật mã và tìm được cho mà xem! Nhưng bây giờ mình phải đi ngủ cái đã!...

Sáng hôm nay là sáng thứ bảy, Oanh không phải đến cơ quan. Cô dự tính sẽ quét dọn nhà cửa rồi đi mua sắm, song đôi mắt cô lúc này đang trĩu nặng lúc nào cũng chỉ muốn nhắm híp lại. Oanh đành lên giường nằm trong khi tâm trí cô vẫn còn để ở nơi máy vi tính... Không lẽ mình vẫn không tìm ra được mật mã sao? Thông thường khi đặt mật mã người ta thường dùng những con số hoặc những từ thân thương có ít nhiều kỷ niệm. Tên cha mẹ Long, rồi địa danh nơi Long sinh ra, những lớp và những trường Long đã học, những năm tháng tuổi thơ của Long, thậm chí những gì dính dáng đến chồng, Oanh đều đã nhập thử hết rồi. Không hiểu sao lại không thành công. Cô cũng đã nhập vào không biết bao nhiêu từ có liên quan đến vợ chồng cô trong hơn năm năm qua nhưng kết quả cũng vẫn không có gì khả quan hơn.

Oanh rất bực mình. Hay mật mã là tên người yêu cũ của anh ấy? Long có thú thật với vợ trước kia anh có người yêu tên là Xuân Chi. Hai người chia tay nhau đã lâu. Cho đến giờ không biết gì lý do gì Xuân Chi vẫn chưa lập gia đình. Còn Long từ khi yêu Oanh, anh nói không còn nhớ đến chuyện cũ nữa. Có tin được không? Người ta nói con gái nói có là không, nói không là có nhưng thật ra câu đó phải dành cho cánh đàn ông mới đúng. Cứ nghe miệng lưỡi của chồng mình thì biết. Ôi! Em yêu, em đẹp quá, cái váy em bận xinh quá! Thật sự mình biết mình đâu có đẹp. Còn cái váy khi mình mua ở cửa hàng thời trang vào tháng trước, vừa đem về nhà ảnh đã cằn nhằn mình mua váy vừa mắc lại vừa xấu! Chào con bồ câu bé nhỏ của anh! Sáng nay anh thấy em thật dịu dàng! Trời ạ, tối hôm qua mình vừa la anh ấy về cái tội đi ngủ làm biếng không chịu đánh răng! Ảnh cứ cằn nhằn mãi mình không phải là một người vợ tế nhị, dịu dàng như ảnh mơ ước. Theo mình đàn ông chính là loại người nói có là không, còn nói không nghĩa là... không có gì hết!

Oanh bật dậy. Cô lại đến ngồi vào máy vi tính và khởi động máy... Mình cứ thử xem. Nếu mật mã đúng là “xuanchi” thì ảnh đừng mong sống nổi với mình! Đàn bà rất phức tạp, Nga đã từng nói với Oanh như vậy. Có người luôn bảo mình không hề ghen nhưng thật ra họ lại là người ghen rất dữ dội. Ớt nào mà ớt chẳng cay! Theo Nga có bốn loại ghen chính của phụ nữ. Thứ nhất là ghen bóng ghen gió, nghĩa là ghen tưởng tượng. Thứ hai là ghen ồ ạt. Những phụ nữ mắc chứng ghen này thường phải đi đánh ghen mới giảm được “xì trét”! Đây là loại ghen dễ gây dư luận nhất, tạo sự ồn ào nhất, hài hước đến nổi được lưu truyền trên tranh vẽ Đông Hồ. Thứ ba là ghen thầm lặng. Loại ghen này đã tạo nên nhiều cao thủ trong làng ghen mà tiêu biểu là kiểu ghen “bác học” của Hoạn Thư trong truyện Kiều. Cuối cùng là loại ghen đáng sợ nhất: ghen do tự ái. Cũng theo Nga đó là loại ghen vì yêu thì ít mà ghen chủ yếu là do lòng tự ái bị xúc phạm nặng nề. Loại ghen này dễ đưa đến những hậu quả thảm khốc cho các đức ông chồng bởi những sự trả thù quá quắc của các quí phu nhân. Mình thuộc loại ghen nào nhỉ? Oanh bật cười. Mình có ghen đâu, mình chỉ muốn tìm mật mã thôi mà! Không hiểu Nga đã đọc sách nào lại dám có những “khảo cứu” về ghen nhảm nhí đến như thế?



Oanh gõ “xuanchi” vào phần mật mã. Máy vẫn báo lỗi. Có thế chứ! Cái cô Xuân Chi nào đó làm sao xứng đáng có tên trong máy vi tính của anh Long chồng mình! Vui mừng Oanh vươn vai đứng dậy. Nói lỡ chứ nếu mật mã đúng là tên của Xuân Chi thì sao nhỉ? Chắc mình té xỉu mất? Oanh bật cười sảng khoái. Cô tung tăng hát nghêu ngao một vài câu nhạc tình rồi nhảy chân sáo lên giường. À này, nếu mật mã yêu cầu phải có đủ cả họ của Xuân Chi thì sao? Mà cô ấy họ gì nhỉ? Oanh hầu như chỉ nghe Long nhắc đến Xuân Chi một hai lần nên cho đến giờ cô vẫn chưa biết Xuân Chi họ gì. Khó đấy, nhưng phải tìm thôi. Kiểm tra phải kiểm tra cho trót, gọt vỏ phải gọt vỏ cho trơn mà!

Oanh lại rời khỏi giường. Đến trước cái tủ nhỏ riêng của Long đặt ở góc phòng, cô mỉm cười tinh nghịch chấp hai tay khấn: “Tha lỗi cho em anh nhé! Anh cho em mạn phép mở xem một lần này thôi. Em sẽ yêu anh nhiều hơn”. Chìa khóa tủ ư? Chuyện nhỏ! Oanh đã biết chồng mình giấu chiếc chìa khóa sau khung hình cưới treo trên tường, đặt trong phóng khách cả năm nay rồi, nhưng cô vẫn giả lơ xem như không biết! Cô mở cửa tủ rồi tìm và lật tung chồng thư cũ. Thỉnh thoảng Oanh lại gật đầu cười khi nhìn thấy những phong thư cũ của mình gởi cho chồng ngày ấy vẫn còn được Long trân trọng gìn giữ cẩn thận. Thư của Xuân Chi gởi cho Long chỉ có một bức duy nhất đã ố vàng, thậm chí còn có dấu vết dán gặm. Đây rồi tên họ của cô ấy có đầy đủ trên phong bì: Trịnh Thị Xuân Chi. Tên họ gì mà dài ngoằng thế?

Oanh hăng hái ngồi vào máy vi tính. Cô cẩn thận nhập mật mã “trinhthixuanchi”. Thật bất ngờ hộp thư điện tử của Long đã mở! Oanh bàng hoàng lặng ngồi nhìn màn hình máy vi tính hơn nửa tiếng đồng hồ. Sau đó cô gục mặt xuống bàn khóc nức nở...



II.

Long nhấp một ngụm bia rồi lè nhè quay sang nói với Hoàng, em vợ cũ của anh vừa từ nước ngoài du học về:

-Anh chị đã ly dị hơn hai năm nay kể từ dạo ấy. Mật mã hộp thư điện tử của anh đã đổi thành “lethihoangoanh” từ lâu rồi. Không biết chị em có biết không? Em gặp Oanh nhớ nói giùm anh một tiếng...

Nói xong Long gục đổ cả người xuống bàn nhậu. Khi Hoàng đỡ được anh rể lên thì thấy gương mặt của Long đầm đìa nước mắt...

(Giải ba Truyện ngắn Nam Định Online 2007)

Thanh Trắc Nguyễn Văn

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)