Vài cảm xúc khi đọc tập thơ "Giọt lệ trăng" của Thanh Trắc Nguyễn Văn






Vài cảm xúc khi đọc tập thơ "Giọt lệ trăng" của Thanh Trắc Nguyễn Văn

Chắc chắn trong này phải có bài Giọt lệ trăng hay nhất, hãy tìm đọc trước. Tôi lật từng trang thơ tìm kiếm. Không có bài thơ này. Tôi giở mục lục ra xem, cũng không có luôn. Chắc là tác giả đã cho thơ khóc trong hết cả tập thơ rồi, nước mắt sẽ chảy nhiều trên các trang giấy đây. Thôi hãy lật xem giọt lệ đầu tiên vậy. Ô hay! không phải lệ, mà là “Xuân Đến” với những câu mở đầu như sau:

Cô giáo Mai áo dài vàng lên lớp
Kìa mùa xuân bỗng đến bất ngờ!
Bài giảng mới nồng nàn hương nắng mới
Vọng tiếng đàn Kiều lấp lánh sáng trong thơ.

Cả một mùa xuân với ánh sáng, sắc màu, hương thơm, thơ Kiều ập xuống đầu tôi, vây bọc quanh tôi. Tôi hít dài với cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng trong tiếng thơ êm ả đó. Một tuần lễ sau cảm giác này vẫn còn theo tôi vì hình ảnh trong thơ là chính hình ảnh tôi đã trải qua khi còn trai trẻ. Tôi đã từng say mê nhìn tà áo cô giáo, đã từng hít hương thơm lựng mỗi lần cô giáo đi qua, đã từng nghe giảng Kiều một cách say mê, mà nay năm câu thơ trên đã làm tôi sống lại cả một thời thi vị nhất trong đời.

Tôi đọc tiếp “Nghe đàn vọng cổ trên sông Hậu”. Không thấy trăng khóc chút nào. Chỉ nghe tiếng đàn dồn dập như tiếng vọng của trống đồng từ thời Hùng Vương cho đến khi Thanh Trắc Nguyễn Văn ngồi trên sông Hậu nghe đàn. Tôi chắc chắn những ai “Chưa nhớ chùm khế ngọt, chưa lớn nổi thành người”thì hãy đọc bài thơ này sẽ vụt lớn ngay, mà có thể lớn như Phù Đổng ngày xưa không chừng. Đọc tiếp Thơ Tình…Ngụ Ngôn…Dị Bản, Làng Tôi…đến “Tạm biệt Phong Nha” thì tôi dừng lại ở đây hơi lâu:

Quảng Bình có động Phong Nha
Nửa đêm trăng xuống là đà trên sông
Người đi nổi nhớ chìm mong
Câu thơ gởi lại mãi bồng bềnh trôi.

Câu mở đầu bài thơ giống như một câu ca dao, vậy mà bốn câu sau đã biến thành thơ trử tình ngay, tác giả thật có tài vẩy bút.

Đến đây thi sĩ mới nói đến trăng, nhưng không phải trăng khóc mà là trăng nổi trên mặt nước. Tôi xin cam đoan ai đến Phong Nha sẽ không bao giờ thấy trăng là đà trên sông cả, bởi vì khi trăng lặn sẽ gác trên đỉnh núi hoặc trên làng quê, rồi sẽ từ từ khuất sau núi hoặc sau lũy tre làng. Với con mắt của một thi nhân thì Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng giống như Lý Bạch thuở xưa, thấy bóng trăng mà tưởng rằng trăng thật, ấy là chuyện lãng mạn đang yêu của người thơ vậy.

“Người đi nỗi nhớ chìm mong”

Nhà thơ ngồi trên con thuyền giữa đêm thanh tịnh êm ả không có gió to sóng lớn thì dẫu thuyền có đi cũng trôi nhẹ nhàng không nổi lên chìm xuống được. Nếu thuyền mà nổi lên chìm xuống thì thơ cũng bí rị luôn, có đâu được bài “Tạm biệt Phong Nha” hay như thế. Cái chìm cái nổi ở đây cũng là trăng. Bởi con thuyền khuấy nước, nước xao động làm bóng trăng cũng bập bềnh theo nước vậy. Và ai nhớ ai mong đây? Hoặc thi sĩ ban cho Phong Nha một linh hồn để nhớ để mong, hoặc thi sĩ đã chưa đi mà nhớ chưa rời mà mong, cả hai đều là ý niệm làm cho người và cảnh quyện vào nhau thắm thiết.

Thú vị làm sao, thi nhân ngồi uống rượu và mơ màng bên người đẹp, ảo và thực đều trở thành nguồn thơ cả:

Chén nồng cạn với đêm đen
Gió thu rạo rực cùng len lén về
Phong Nha sóng vỗ tứ bề
Nhanh tay hứng được câu thề tặng em.

Sao có người lại cho rằng thi nhân hứng nước dưới lòng sông. Ngồi trên thuyền thì chỉ múc nước dưới lòng sông chứ làm sao hứng được. Đã nói là hứng thì phải đón lấy cái từ trên cao rơi xuống. Vả lại câu thơ mà hứng từ dưới nước thì nó chẳng đẹp đẽ thi vị chút nào, em sẽ chẳng nhận đâu. Thanh Trắc Nguyễn Văn ngồi giữa cảnh gió thu rạo rực, sóng vỗ tư bề, phong cảnh đêm đã về khuya thơ mộng trữ tình ấy bàng bạc giữa đất trời, và nhà thơ đã hứng cái thanh khí ấy thành câu ân tình để chàng thề thốt với em. Chắc chắn cô gái sẽ vui sướng nhận lấy câu thề vì nó là tinh hoa của đất trời Phong Nha vậy.

“Ngôi nhà màu trắng hoa lê” tuyệt đẹp, đầy đủ hương vi, màu sắc như một cảnh tiên:

Tôi xây trên đỉnh đồi
Tặng Nàng
Ngôi nhà màu trắng hoa lê
Có hoa
Có cỏ
Có nắng
Và có nàng
Ngày ngày khăn choàng cổ trắng
Áo dài lụa bạch
Ngan ngát hương lê.

Ôi! thi sĩ bán thơ được bao nhiêu tiền mà chơi bạo thế? Chắc chàng chỉ tưởng tượng vẽ ra trong đầu thôi. Chàng vẽ nhà, vẽ hoa, vẽ áo và vẽ cả mùi hương thơm. Chỉ đọc thôi mà thấy rõ hơn rọi chiếu, mà ngưởi được hương thơm ngan ngát thoảng trong phòng. Chẳng biết nhà thơ là thi sĩ hay phù thủy đây? Nhưng mà ông Thanh Trắc Nguyễn Văn ơi, ông ác lắm. Ông đã làm cho tôi khóc, vợ tôi khóc, con gái tôi khóc vì ông đã đang tay đánh đập người đẹp, lại đốt cả ngôi nhà như mộng như mơ kia:

Một đêm
Cùng lũ ma men
Cuồng điên
Gào thét
Tôi đã giận dữ
Đánh ngất nàng
Và tự tay châm lửa
Thiêu rụi
Ngôi nhà màu trắng hoa lê.

Bài thơ này nếu ai đọc, xin hãy đọc đi đọc lại nhiều lần, và chất đau đớn sẽ thấm vào tim, sẽ loang vào máu, rồi sẽ có lúc bật khóc ngon lành.

“Giọt lệ Trăng” không có trăng khóc nhưng còn có trăng biết rót rượu, trăng tắm trên dòng sông đầy chất thơ và đầy chất mộng. Còn nhiều cái để nói trong “Giọt lệ trăng” nhưng thôi, nếu tôi nói nhiều thì bài quá dài chưa chắc Đất Đứng cho đăng. Thật sự Châu Thạch tôi chưa từng quen, chưa từng nghe tiếng, chưa từng đọc thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn, và thú thật ban đầu cũng dị ứng, nhưng nhờ cảm nhận được cái hay của “Giọt lệ trăng” từ trang thơ đầu tiên, đã đem đến cho tôi một cảm tình để bước vào và được dẫn dắt đi ngắm hết bao hoa trái của cả vườn thơ.

Đọc “Giọt lệ Trăng” tôi liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều:

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Lúc nhỏ thầy tôi dạy đây là cách miêu tả “ước lệ” của Nguyễn Du rất thần tài, chỉ có hai hình ảnh mà vẽ hết một mùa xuân trọn vẹn. Tôi xin bắt chước cách nói ước lệ này để nói về “Giọt lệ Trăng”:

“Giọt lệ Trăng” vườn thơ xanh ngát
Điểm xuyết nhiều hoa đẹp trên cành .

(Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Đứng tháng 9.2010)

Nhà thơ Châu Thạch

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến của bạn đọc Nguyễn Như Thành:

Bài bình của nhà phê bình Châu Thạch rất hay, tôi chỉ xin nêu 2 ý kiến nhỏ về bài thơ Động Phong Nha vì tôi cũng đã từng ở lại đêm tại Phong Nha.

Nhà phê bình Châu Thạch đã viết: "Tôi xin cam đoan ai đến Phong Nha sẽ không bao giờ thấy trăng là đà trên sông cả, bởi vì khi trăng lặn sẽ gác trên đỉnh núi hoặc trên làng quê, rồi sẽ từ từ khuất sau núi hoặc sau lũy tre làng".

Theo tôi nghĩ đây không phải là trăng lặn là đà trên sông, mà là ánh trăng rọi xuống nước nổi là đà trên sóng (nhất là những đêm trăng rằm, mười sáu) khiến cho mặt nước ánh lên ánh trăng màu lam của sông rất đẹp. Với lại tác giả thơ viết "Nửa đêm trăng xuống" chứ không phải trăng "lặn"!

Nhà phê bình Châu Thạch viết: "Sao lại có người cho là thi nhân hứng nước dưới lòng sông?".

Tôi nhớ tôi có nghe một cô thợ chụp hình ở Động Phong Nha kể về truyền thuyết nữ Thủy Thần xinh đẹp của động Phong Nha. Có lẽ nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn viết 2 câu thơ:

"Phong Nha sóng vỗ tứ bề
Nhanh tay hứng được câu thề tặng em"

chính là do truyền thuyết này chăng?

Xin được bổ sung để các bạn đọc tham khảo.


Ý kiến của nhà thơ Kha Tiệm Ly:

Tôi đã đọc nhiều lần GIỌT LỆ TRĂNG. Đó là tập thơ gồm gần 50 bài thơ hàm súc nhiều vấn đề xã hội, tình yêu, nhân sinh quan của tác giả THANH TRẮC NGUYỄN VĂN

Ý tưởng trong mỗi bài thơ đều mới lạ, đột phá. Có bài như là một danh ngôn (CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC PHẬT, trang 48), có bài làm người đọc xót xa về một thực tế của con người (BA CON MẮT, MỘT CÁNH TAY, trang 51), có bài làm người đọc ngỡ ngàng, chua chát (TÌNH ANH XE ÔM, trang 63), ...v.v...

Thời bây giờ có nhiều tập thơ "ra đời", nhưng ít có tập thơ nào khiến cho người đọc nghiền ngẫm như GIỌT LỆ TRĂNG.

Nhà thơ CHÂU THẠCH có lẽ cũng đã nhiều cảm xúc khi đọc tập thơ nầy. Nhưng theo chúng tôi, nhà thơ Châu Thạch khó mà nói hết tình cảm của mình trong một bài hạn hẹp như vậy.

Những lời này của chúng tôi lại càng không thể. Điều chúng tôi chỉ nói lên được là: GIỌT LỆ TRĂNG là một tập thơ hay, đáng trân trọng.


Ý kiến của Thanh Trắc Nguyễn Văn:

Kính gởi nhà thơ Châu Thạch

Bài thơ "Giọt lệ trăng" do có tính thời sự cao nên đến phút cuối phải đổi tên là "Thơ viết ở bờ sông Thị Vãi" để "né" kiểm duyệt!

Đoạn cuối của bài thơ có câu thơ cuối cũng chính là tựa của cả bài thơ, là tựa của cả tập thơ:

Quê mình nghèo sao bóng tối cứ vây quanh?
Bát cơm của mẹ cũng đơm đầy hạt sạn
Bão lại thổi
Xổ tung những chùm mây tóc xám
Hạt mưa lạnh cuối chiều
Hay giọt lệ của trăng ?

Kính thư

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)