Truyện thơ: Lời thề màu hoa phượng
Lời thề màu hoa phượng
Thuở ấy tôi là một học sinh nhà nghèo vừa tròn mười tám tuổi chưa ý thức được tương lai. Tôi học không khá như các bạn cùng lứa. Nhiều người bảo tôi không được thông minh. Chỉ có thầy chủ nhiệm lớp 12 của tôi là có nhận xét khác. Thầy thường nói riêng với tôi:
- Mùa thi đến rồi, con hãy chịu khó cố gắng thêm trong học tập một chút nữa. Chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa thôi! Con có thể sẽ đậu đại học để sau này giúp gia đình con thoát khỏi cảnh nghèo khó như bây giờ. Con rất giỏi về môn sinh học. Riêng hai môn toán và hóa học con học cũng tạm được. Con nên thi ngành Y.
Tôi nghe rồi chỉ để mỉm cười vì tôi tự nghĩ sức học mình chỉ có thế, tôi đậu tốt nghiệp được lớp 12 là mừng lắm rồi. Tôi đăng ký thi đại học chỉ cốt cho vui mà thôi. Còn thi vào ngành Y là điều hoàn toàn tôi không dám nghĩ.
Quê tôi ở miền sông nước nên chợ thường họp trên sông, người ta vẫn gọi là chợ nổi. Hè năm ấy khi đi chợ tôi vô tình quen một cô lái đò rất xinh đẹp. Tôi hỏi tên, nàng bảo nàng tên là Hoa Phượng.
“Chợ quê trên chợ dưới thuyền
Chèo em quẫy sóng chao nghiêng nắng chiều
Tôi ngồi nghe gió liêu xiêu
Lén nhìn cô lái ước điều bâng quơ.”
Cô lái đò Hoa Phượng đẹp lắm. Tôi thường mượn cớ đi chợ, đi mua trái cây cho mẹ để có thể được gặp nàng thường xuyên. Nhưng không hiểu vì lý do gì Hoa Phượng lại tỏ ra rất lạnh nhạt với tôi.
“Từ ngày con nhện lửng lơ
Tôi đi chợ mãi để bơ vơ hoài!
Em cười chẳng biết với ai
Bỏ tôi ôm một giỏ xoài buồn hiu…”
Cơ hội đến một chiều khi vãn chợ, trên thuyền chỉ có nàng và một mình tôi. Tôi quyết định ngõ lời với nàng. Thật bất ngờ nàng mỉm cười hỏi:
- Nghe đồn anh học dốt lắm phải không?
Tôi vô cùng ngạc nhiên vội tìm lời chống chế:
- Đâu có tôi học cũng tạm được mà!
- Nếu anh không học dốt tại sao không dám thi đại học?
- Đó là chuyện riêng của tôi. Cô hỏi để làm gì?
Nàng cười lớn rồi nói:
- Tôi không thích lấy chồng vừa nghèo vừa không có chữ nghĩa đâu nhé. Chồng của tôi tệ lắm cũng phải là bác sĩ. Anh bây giờ còn tay trắng. Lấy vợ rồi làm sao nuôi? Chừng nào anh đã là bác sĩ rồi hãy đến tìm tôi. Mà người như anh chắc không đáp ứng nổi điều kiện của tôi đâu. Ha ha ha…
Tiếng Hoa Phượng cười vang lan khắp mặt sông.
“Một hôm tôi quyết hỏi liều
Muốn sang… phải bắc cầu kiều sao đây?
Em đùa nhắn gió thách mây
Trạng nguyên đỏ lá là ngày vu quy…”
Khoảng đầu thập niên những năm 80, lứa tuổi của tôi, các thí sinh dự thi đại học thường có câu truyền miệng: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa…”. Thi vào trường Y và tốt nghiệp bác sĩ trường Y lúc bấy giờ là “oách” nhất. Nhưng không phải ai muốn cũng được vì để trở thành học sinh học trường Y cần phải có học lực rất giỏi. Tôi không ngờ nàng lại dám đem điều đó ra để “thách thức” tôi.
Tôi nóng mặt “nổ” luôn:
- Này, cái bằng bác sĩ của cô chắc lớn lắm nhỉ? Cô cứ ráng chờ đi. Khi nào tôi về gặp cô lúc ấy tôi sẽ là chồng của cô đó. Xin có dòng sông này làm chứng cho lời thề của tôi.
- Anh đã thề rồi đấy nhé. Tôi sẽ lấy hai cây tăm chống hai con mắt để chờ thấy cái bằng bác sĩ của anh. Nhưng anh cũng nên nhớ một điều nếu anh chưa tốt nghiệp được bác sĩ thì anh cũng đừng có về gặp tôi. Tôi không ưa loại người hứa rồi nuốt lời đâu.
Dứt lời Hoa Phượng lại cười vang…
Về nhà tôi bàn với cha mẹ xin cho tôi đi thi đại học. Tôi rất ngạc nhiên vì tiền bạc trong nhà không mấy dư dã gì nhưng cha mẹ tôi đồng ý ngay. Cha và mẹ tôi vận động hai họ nội ngoại được một số tiền kha khá để giúp tôi lên thành phố ở trọ nhà một người bà con để ăn học. Tôi bất ngờ thi đậu vào trường Y thật! Không hiểu sao cứ mỗi lần cầm quyển sách lên tôi lại thấy nụ cười giễu cợt của cô lái đò nên quyết tâm học rất dữ! Tuy nhiên dù có rất nhiều cố gắng tôi cũng vẫn phải học dôi thêm một năm vì đuối sức, do phải thi lại trả nợ nhiều môn…
“Ai ngờ từ đấy phân ly
Bảy năm biền biệt tôi đi không về
Giận em ném lại câu thề:
"Nếu không đỗ trạng không về chợ xưa…!"
Giảng đường sớm nắng chiều mưa
Miệt mài đèn sách đợi mùa vinh quy.”
Trong suốt bảy năm trời học ở thành phố tôi vẫn nhớ đến Hoa Phượng, nhớ đến cô lái đò xinh đẹp. Nhưng vì lời đã lỡ thề ngày trước nên tôi cứ lần lữa mãi không chịu về thăm lại bến sông xưa…
“Thế rồi phượng thắm mùa thi
Thế rồi bác sĩ trường Y, như lời…
Trạng nguyên lá đỏ ven đồi
Tôi về hái vội bồi hồi nhớ mong.”
Bảy năm mài đũng quần trên ghế trường đại học thấm thoát rồi cũng qua mau. Cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp được với tấm bằng bác sĩ loại khá. Tôi mừng lắm. Ngày trở về, là một ngày cuối hè, tôi hái vội chùm hoa trạng nguyên rồi chạy ra bến sông tìm gặp cô lái đò mong nhắc lại lời hứa năm xưa. Thật không ngờ, khi gặp lại Hoa Phượng thì nàng đã có chồng với bốn đứa con nhỏ lem luốt. Bản thân nàng tôi cũng không nhận ra vì trông nàng đã già trước tuổi rất nhiều có lẽ do cuộc sống quá lam lũ. Nàng mỉm cười chúc mừng tôi và chúc tôi mau tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
“Trạng nguyên lá đỏ ven đồi
Tôi về hái vội bồi hồi nhớ mong
Thuyền em vẫn đậu bên sông
Gặp em tay níu tay bồng… bốn con! ...”
Sau này khi đã là giám đốc của một bệnh viện tỉnh tôi mới biết cô lái đò tên thật không phải là Hoa Phượng. Nàng là cháu xa của thầy chủ nhiệm lớp 12 của tôi. Chuyện nàng thách thức tôi cha mẹ tôi đều biết cả, vì chính thầy chủ nhiệm và cha mẹ tôi đã đến nhờ nàng. Chỉ có một điều là thầy chủ nhiệm và cha mẹ tôi không can thiệp được, đó là phong tục ở quê tôi con gái phải lấy chồng rất sớm…
Khi tôi trở lại bến sông cũ tìm thì nghe người ta nói nàng và chồng do làm ăn không khá nên đã cùng bốn đứa con phải phiêu bạt sang xứ khác lâu rồi.
“Áo ai giờ nhạt màu son
Thuyền xưa tách bến chỉ còn chợ quê…”
(Truyện ngắn đã đăng trên Tập san VGĐ Magazine - Canda số 3 năm 2010)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
------------------------------------------------------------------
Chợ quê
"Nhất Y nhì Dược tạm được Bách Khoa ..."
Chợ quê trên chợ dưới thuyền
Chèo em quẫy sóng chao nghiêng nắng chiều
Tôi ngồi nghe gió liêu xiêu
Lén nhìn cô lái ước điều bâng quơ
Từ ngày con nhện lửng lơ
Tôi đi chợ mãi để bơ vơ hoài!
Em cười chẳng biết với ai
Bỏ tôi ôm một giỏ xoài buồn hiu...
Một hôm tôi quyết hỏi liều
Muốn sang... phải bắc cầu kiều sao đây?
Em đùa nhắn gió thách mây
Trạng nguyên đỏ lá là ngày vu quy...
Ai ngờ từ đấy phân ly
Bảy năm biền biệt tôi đi không về
Giận em ném lại câu thề :
"Nếu không đỗ trạng không về chợ xưa!..."
Giảng đường sớm nắng chiều mưa
Miệt mài đèn sách đợi mùa vinh quy
Thế rồi phượng thắm mùa thi
Thế rồi bác sĩ trường Y, như lời...
Trạng nguyên lá đỏ ven đồi
Tôi về hái vội bồi hồi nhớ mong
Thuyền em vẫn đậu bên sông
Gặp em tay níu tay bồng... bốn con!...
Áo ai giờ nhạt màu son
Thuyền xưa tách bến chỉ còn chợ quê...
Thanh Trắc Nguyễn Văn
---------------------------------------------------------------------------
* Truyện ngắn đã đăng trên Tập san VGĐ Magazine - Canda số 3 năm 2010
* Truyện ngắn đã đăng trên báo Tài Hoa Trẻ số 781, ngày 15.7.2012
* Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Sông Trà số 52, năm 2014
* Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Non Nước số 204, tháng 11 năm 2014
Nhận xét
Đăng nhận xét