Tiểu phẩm: Chuyện trên trời






















Chuyện trên trời

Nước Trời đã thái bình hơn năm trăm năm nay. Bỗng một ngày nọ, Táo Quân gọi điện thoại qua đường dây nóng, báo tin khẩn cấp cho Ngọc Hoàng Thượng Đế hay tin Ngưu Ma Vương và bọn yêu ma đàn em dưới trần thế đang nhiễu loạn dân lành.

Lập tức Ngọc Hoàng triệu các quan văn võ vào chầu để bàn phương sách diệt quỷ trừ ma cứu nguy cho bá tánh. Nam Tào bước ra tâu:


- Kính thưa Ngọc Hoàng, mấy năm nay bọn ác ma mà đứng đầu là Ngưu Ma Vương ở dưới trần luôn tìm cách mua bán bồ đà, bạch phiến, ma túy, rồi thuốc lắc… vừa lén lút vừa công khai làm hại không biết bao nhiêu nam thanh nữ tú. Không ít gia đình vì chúng mà phải nhà tan cửa nát. Vợ không dám nhìn chồng, cha mẹ phải lìa xa con cái. Bọn chúng cũng nhân cơ hội ấy gieo rắc căn bệnh AIDS, căn bệnh của thế kỷ mọi lúc mọi nơi làm cho nhiều người phải chết oan. Nói chung tội ác của lũ quỷ Ngưu Ma Vương đã gây ra mấy năm nay toàn là tội tày trời nhiều không kể xiết…























Ngọc Hoàng khoác tay:

- Thế các quan sở tại đâu? Sao để chúng lộng hành quá đáng như vậy?

Táo Quân bước ra tâu:

- Thưa Ngọc Hoàng, các quan sở tại đều tận trung với triều đình, cố sức ra tài bắt quỷ trừ ma, nhưng tiếc rằng do lực bất tòng tâm và có quá nhiều khó khăn khách quan cũng như chủ quan nên vẫn không thể đối phó nổi với lũ quỷ này. Bọn Ngưu Ma Vương đều là lũ bạch tuộc quái vật, có ba đầu sáu tay trăm vòi vì vậy có thể luồn lách khắp nơi. Cứ chặt đứt vòi này lại mọc thêm vòi khác, không thể trừ ngay được.

- Ghê gớm đến thế sao? Thôi để trẫm ra lệnh cho thiên quân thiên tướng xuống trần diệt chúng cứu nguy cho dân lành vô tội vậy. Lý Thiên Vương và Na Tra đâu? Mau bước ra đợi lệnh!

Lý Thiên Vương và Na Tra vội bước ra.

- Trẩm phong cho Lý Thiên Vương làm nguyên soái, Na Tra làm tiên phuông thống lĩnh đại quân xuống trần dẹp loạn. Hẹn trong ba ngày phải ra quân.

Lý Thiên Vương sợ hãi quỳ xuống thềm ngọc sụp lạy Ngọc Hoàng:

- Thưa Ngọc Hoàng ba ngày thì không được đâu ạ! Phải hơn một tuần thần mới có thể chuẩn bị kịp để ra quân!

Ngọc Hoàng giận dữ quát:

-Cha chả giỏi thay cho Lý Thiên Vương,ngươi thống lĩnh đại quân của nhà trời tại sao lại làm ăn trễ nải đến như vậy? Ngươi thiếu thứ gì nói mau? Lương thực, quần áo, thuốc men, xe cộ, đạn dược hay súng ống ?

- Tâu Ngọc Hoàng những thứ đó thần đều đã chuẩn bị đầy đủ, nhưng thần cần phải lo những cái mới phát sinh trong quân đội.

- Những cái mới phát sinh trong quân đội là những cái gì?

- Dạ, là… mắt kính ạ?

- Mắt kính?

- Dạ phải, mấy chục năm nay không hiểu Bắc Đẩu cải cách giáo dục như thế nào mà bọn trẻ học hành quá tải đều phải mang mắt kính cả. Do đó quân sĩ mới nhập ngũ bây giờ hầu hết đều bị cận thị. Thần phải lo làm mắt kính dự phòng cho tướng sĩ bị cận nên mới chậm trễ ra quân như vậy. Ngay cả quân sĩ thần hiện giờ, hậu cần ngoài xe lương, xe súng, xe đạn, xe thuốc, … thần cần phải có thêm mấy xe “mắt kính” cho quân lính của thần!

- Mắt kính? Hừ, trẫm năm nay đã mấy triệu tuổi rồi mà có cần mang kính gì đâu! Lũ trẻ giờ sao tệ thế? Trẫm nghe nói Kim Tra, con của khanh là một vị tướng giỏi. Quân lính của Kim Tra như thế nào?

- Dạ, Kim Tra là tướng lĩnh pháo binh. Ba phần tư lính pháo binh đều “mang kính” cả!

- Hừ, lính pháo binh mà “mang kính” lỡ đang nạp đạn vào pháo rớt mất mắt kính thì sao? Còn Mộc Tra?

- Mộc Tra thì lãnh đạo đội quân trinh sát. Cũng hầu hết phải “mang kính”!

- Đã “mang kính” thì còn trinh sát cái nổi gì! Còn Na Tra?

- Na Tra là tiên phuông nên đạo quân của nó là đạo quân thiện chiến nhất. Quân của Na Tra có thể đạp lũy phá thành, đánh cảm tử cận chiến, đánh thủy đánh bộ đều giỏi cả. Nhưng tâu bệ hạ do Na Tra dạo này cũng bị học hành quá tải nên nó và quân sĩ của nó cũng đều phải “mang kính” gần hết!

Ngọc Hoàng cúi xuống nhỉn kỹ, phát hiện trên đôi mắt của danh tướng trẻ tuổi Na Tra quả cũng đang mang kính “lấp lánh” thật. Ngọc Hoàng chỉ kịp kêu lên một tiếng “Úi trời ui! ” rồi ngã lăn ra đột quỵ, khiến các quan hốt hoảng phải đưa ngài đi cấp cứu.


2005
(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Bông Sen số 7 và 8 năm 2005)

Hà Thanh Chương (Thanh Trắc Nguyễn Văn)



 





















---------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết đã đăng trên Tạp chí Bông Sen số 7 và 8 năm 2005

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)