Truyện ngắn: Điều chưa biết
ĐIỀU CHƯA BIẾT
Trong một góc nhỏ của phòng giáo viên, cô Định đang tiếp một vị phụ huynh. Đối thoại giữa cô giáo Định và vị phụ huynh từ lúc đầu đã căng thẳng giờ lại càng căng thẳng hơn. Cô giáo Định luôn tỏ ra mềm mỏng nhưng vị phụ huynh, một người phụ nữ đã đứng tuổi, ăn bận sang trọng, có nét mặt từng trải, lại luôn tỏ ra rất khó chịu trước những câu trả lời của giáo viên bộ môn.
- Môn Giáo dục công dân của cô có phải là môn chính đâu mà cô bắt con gái tôi phải học? Cô nên nhớ lớp của con tôi học là lớp ban A, là lớp Toán – Lý – Hóa nâng cao. Nó cần phải có thời gian để tập trung học những môn đó. Ngoài ra còn một số môn quan trọng khác nữa như môn Anh văn, môn Văn và môn Sinh. Riêng môn Giáo dục công dân của cô, nói thật cô đừng buồn, tôi chưa hề nghe có ban nào mà môn Giáo dục công dân được gọi là môn nâng cao cả! Môn học của cô dạy mãi mãi cũng chỉ là một môn phụ mà thôi!
- Nhưng trong phân phối chương trình dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có môn học này. Mà chương trình đã có thì các em phải học và phải làm kiểm tra thật nghiêm túc.
- Tôi xin khẳng định một lần nữa sáng hôm qua con tôi làm bài kiểm tra trắc nghiệm rất nghiêm túc. Chính nó về đã nói với tôi như vậy!
- Thật sự em nó có trao đổi đó chị à! Em Thương đã ra dấu bằng tay để hỏi bài những em có cùng chung mã đề. Thi trắc nghiệm có cái hay là rất khách quan nhưng lại rất dễ trao đổi đáp án vì đáp án trắc nghiệm chỉ có bốn chữ A,B,C và D thôi.
- Tôi không tin điều đó. Muốn khẳng định con gái tôi có trao đổi trong giờ kiểm tra cô phải có bằng chứng chứ? Này, cô đừng có đem mấy cái biên bản ra nhé, xưa rồi! Biên bản có chữ ký của mấy đứa học sinh vi phạm chẳng qua là chúng nó sợ nên phải ký thôi. Cô muốn khẳng định con tôi có vi phạm trong giờ kiểm tra cô phải có hình chụp hoặc có phim quay được hẳn hoi. Chúng ta đang ở thế kỷ 21, thế kỷ của công nghệ tiên tiến, không phải cô muốn buộc tội miệng con tôi thế nào cũng được đâu!
- Chị là luật sư?
- Không, trước kia tôi đã từng là giáo viên. Chồng tôi cũng đã có thời gian từng là cán bộ công tác trên Bộ, do đó những qui định về ngành giáo dục vợ chồng tôi đều rành lắm. Tôi nói cho cô chuẩn bị trước. Tôi sẽ kiện cô lên Sở đấy!
- Chị muốn kiện tôi về việc gì?
- Về việc cô bắt con tôi phải đứng trong lớp trong mỗi tiết của cô!
- Xin lỗi chị, tôi bắt em đứng là vì em không thuộc bài. Tôi đã không đánh đập em, nhục mạ chửi mắng em, không bắt em phải còng lưng chép phạt. Như thế có gì là sai với qui định của ngành giáo dục? Với lại tôi có nói sẽ cho em ngồi khi em đã thật sự thuộc bài. Rất tiếc là bài học dù đã rất cũ, đã phải trả đi trả lại nhiều lần em vẫn không thèm thuộc!
- Cô nói sai rồi. Con gái tôi và bạn bè của nó đều nói với tôi là con gái tôi đã thuộc xong bài, nhưng cô do thù ghét cá nhân nên vẫn cứ tìm cách bắt bẻ nó mãi. Còn bắt học trò đứng? Tôi xin hỏi cô giáo có văn bản nào của Bộ cho phép bắt học sinh phải đứng trong lớp khi không thuộc bài không? Cô hãy trả lời cho tôi đi? Làm gì có! Ngoài ra tôi cũng sẽ đề nghị Hiệu trưởng của cô phải giải thích trước Sở vì sao môn học nào trong lớp của con gái tôi điểm trung bình cũng đều được trên tám, chín phẩy; nghĩa là nó rất thông minh, nó rất giỏi các môn khác. Còn riêng môn Giáo dục công dân của cô nó chỉ có điểm trung bình là 4,9; đến nổi nó phải mất danh hiệu Học sinh giỏi ở Học kỳ I là sao? Có phải là năng lực giảng dạy của cô có “hạn chế”, có “vấn đề” hay không?
Cô giáo Định không trả lời nữa chỉ biết lắc đầu ngao ngán rồi thở dài. Vị phụ huynh nhếch mép cười bồi thêm:
- Cách đây vài năm, khi tôi còn là giáo viên, tôi đã từng nghe đồn là trong ngôi trường này có một em học sinh không may cha mẹ bị tai nạn mất sớm. Một cô giáo đã giúp đỡ cho em đó ăn học cho đến lúc ra trường. Báo chí hồi ấy đã đưa tin rất nhiều. Gương tốt ở ngay trong trường của cô sao cô không chịu học tập lấy?
Một cô giáo trẻ nãy giờ vẫn ngồi soạn giáo án ở gần đó liền bước tới ngồi cạnh cô Định và chào vị phụ huynh:
- Thưa bà, bà tỏ ra biết rất nhiều, nhưng vẫn có một điều bà vẫn chưa biết. Cách đây tám năm, một em nữ sinh học lớp 11 có cha mẹ đột ngột phải qua đời vì tai nạn lao động. Nhà em nữ sinh rất nghèo, nhà cô giáo đó cũng nghèo không kém. Cô lại đang góa chồng và phải nuôi hai đứa con nhỏ. Thế nhưng từng bữa ăn, cô giáo đó vẫn đem đến nhà cho em nữ sinh từng suất cơm khi là rau, khi là thịt, san sẻ của gia đình cô; rồi từng đồng tiền còm giúp đỡ và động viên em nên tiếp tục đi học. Khi em nữ sinh tốt nghiệp phổ thông rồi đậu vào đại học, cô lại chạy đi tìm các nhà hảo tâm tìm học bổng cho em, giúp em nữ sinh đó có thể học đến nơi đến chốn, nhằm có được một tương lai ổn định. Em nữ sinh đó chính là tôi, hiện là giáo viên dạy toán lớp của em Thương, con gái bà. Còn cô giáo có tấm lòng nhân hậu đó chính là cô Định đây! Thưa bà, tôi ngày xưa cũng như con gái bà cũng đã từng coi thường môn Giáo dục công dân và cũng từng bị cô Định nhiều lần bắt phải đứng trong lớp. Nhưng cũng nhờ vậy tôi mới nên người được như ngày hôm nay. Thưa bà!
Nói xong cô giáo trẻ nắm lấy bàn tay của cô giáo Định òa khóc nức nở. Vị phụ huynh ngồi lặng hồi lâu rồi đứng lên lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Ngoài sân trường những giọt nắng chiều cuối cùng của mùa đông đang lần lượt tắt dần. Một chậu mai vàng đặt cạnh cửa ra vào của phòng giáo viên đang hé nở những cánh hoa vàng đầu tiên. Tươi tắn và xinh xắn…
(Báo Tài Hoa Trẻ số 730, ngày 15.11.2011)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
-----------------------------------------------------------------------------------
* Truyện ngắn đã đăng trên báo Tài Hoa Trẻ số 730, ngày 15.11.2011
* Truyện ngắn đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 313, ngày 7.8.2014
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Nhận xét
Đăng nhận xét