Truyện ngắn: Truyện trong ngày 20 tháng 11





















TRUYỆN TRONG NGÀY 20 THÁNG 11

Buổi sáng ngày hai mươi tháng mười một Hoàng không đến trường dự lễ được. Tối hôm trước, Hoàng được tin một người bạn thân, cũng là một nhà giáo đã bỏ nghề, bị tai nạn khá nặng đang nằm phòng cấp cứu ở tận Biên Hòa. Hoàng mua sắm linh tinh vài thứ rồi nổ máy xe đến bệnh viện thăm bạn. Khi về lại Sài Gòn thì cũng đã gần mười một giờ trưa.

Đang trưa trời nắng gắt. Hoàng ghé vào một quán nước mía bên đường. Vừa gọi nước xong thì điện thoại di động của Hoàng cứ réo liên tục. Sinh viên không gặp được Hoàng ở trường đại học, gọi điện thoại báo là sẽ đến nhà thăm Hoàng vào lúc hai giờ chiều.

Uống chừng nửa ly nước thì có hai cô gái chở nhau bằng xe đạp đi ngang qua. Cả hai cô thấy Hoàng liền xuống xe và một cô đem một giỏ hoa đến mời:

-Chú ơi nhân ngày hai mươi tháng mười một, chú mua một giỏ hoa về tặng cô đi chú!

Hoàng cười:

-Vợ tôi không làm nghề giáo em à!

Cô gái tỏ ra rất lém lỉnh:

-Thế thì cứ chú mua về làm quà tặng ngày hai mươi tháng mười một, đâu cần phải cứ tặng cho cô ở nhà!

-Nhưng tôi cũng là nhà giáo thì cần gì phải mua hoa!

-Sao lại không hả chú? À quên, thầy! Theo em nghĩ thầy ngày xưa cũng là học trò như tụi em. Thầy cũng từng có thầy, có cô giáo dạy dỗ cho nên người như tụi em. Nếu không có thầy cô ngày xưa thì làm sao bây giờ thầy làm thầy được! Có đúng vậy không ạ?

-Ừ, đúng!

Lời nói của cô gái làm Hoàng thấy cay cay nơi khóe mắt. Hơn nửa đời người đi dạy, cầm mòn viên phấn trên bục giảng, tiếp xúc với bao thế hệ sinh viên, Hoàng quên mất là mình cũng từng đã có những người thầy, những người cô...

-Nói thật với em, hồi còn học trung học tôi rất kính trọng cô giáo chủ nhiệm tôi ở lớp mười hai tên là cô Hoa, nhưng cô giáo Hoa của tôi đã mất gần mười năm nay...

-Thế thì thầy cần phải mua hoa đem đặt lên mộ cô giáo cũ. Em tin rằng dù đã lên thiên đàng lâu rồi nhưng nếu biết có người học trò là thầy vẫn còn nhớ đến cô, cô giáo của thầy chắc chắn sẽ rất vui!

-Em nói cũng có lý đó! Thế giỏ hoa này bao nhiêu?

-Dạ thầy cho em xin một trăm nghìn!












































Hoàng trợn mắt: 

-Sao giá mắc thế?

-Cũng không mắc đâu thầy! Thầy có thấy giỏ hoa này đẹp không ạ? Tụi em phải thức dậy từ hai ba giờ sáng đến vườn hoa ở ngoại thành mua về, rồi cắt rồi tỉa, rồi cắm vào giỏ, mẫu mã sao cho mới lạ, sáng tạo và phù hợp với ngày nhà giáo. Công sức bọn em bỏ ra không ít mà trong đó còn có tấm lòng của bọn em nữa. Mà bọn em đâu phải kinh doanh hoa ngày nhà giáo để kiếm tiền ăn chơi đâu thầy, bọn em chỉ kiếm thêm tiền đóng học phí thôi. Thầy có dạy đại học không ạ? Nếu thầy không dạy đại học, thầy đọc báo chắc cũng biết học phí của mấy trường đại học bắt đầu từ năm nay tăng kinh khủng...

Hoàng nhìn giỏ hoa, quả thật giỏ hoa trình bày rất đẹp không giống như mẫu mã ở các shop hoa. Hoa cũng rất tươi thoang thoảng một mùi hương nhè nhẹ:

-Tuy em nói thế nhưng cũng vẫn còn khá mắc!

-Dạ, cho em xin hỏi có phải thầy dạy văn không ạ?

-Không, tôi không dạy môn văn. Nhưng có gì không em?

-Dạ, thế thì tiếc quá. Nhưng thưa thầy, thầy có biết câu ca dao trong đó có cô gái trách chàng trai: "Ba đồng một mớ trầu cay. Sao anh không hỏi những ngày còn không? Bây giờ em đã có chồng. Như chim vào lồng như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gở? Chim vào lồng biết thuở nào ra" không ạ?

-Tôi có biết bài ca dao này. Đó là lời cô gái chê trách chàng trai quá chậm chạp trong tình cảm nên hai người không đến được với nhau.

-Không phải thế đâu thầy ạ! Theo em thì cô gái đã trách lầm chàng trai. Cô gái có lẽ là con gái nhà giàu nên đã quá hời hợt không biết nghĩ cho người yêu của mình là một chàng trai nghèo khó. Thầy nghĩ coi cô ta bảo thế này "ba đồng một mớ trầu cay". Trầu cay mà ba đồng một mớ thì đâu phải là thứ trầu quí dùng làm lễ cưới để đem đi hỏi vợ được đâu thầy! Đó chỉ là loại trầu hàng trầu dạt ngoài chợ mà thôi.

-Thế ý của em là thế nào?

-Dạ, tiền nào của nấy thầy ạ! Giỏ hoa của em tuy giá có hơi mắc nhưng hoa đẹp và cắm tỉa thật công phu, rất xứng đáng đồng tiền bát gạo. Giỏ hoa này sẽ làm thầy tự tin và an tâm hơn khi thầy đem đặt trước mộ cô giáo cũ của thầy...

Hoàng bật cười:

-Em tiếp thị cũng khá lắm. Tôi lấy giỏ hoa này. Ngoài cô giáo chủ nhiệm, tôi dự định sẽ tặng hoa cho nhiều thầy cô cũ khác, em bán thêm cho tôi hai giỏ hoa còn lại nhé?

-Dạ không được đâu thầy ạ. Hai giỏ hoa kia em đã giành tặng riêng cho thầy và cô của em!

-Tôi sẽ trả giá gấp đôi mà! Em bán không?

-Em không bán đâu! Hai giỏ hoa em đã tự tay cắm lấy. Dù thầy có trả giá cao bao nhiêu em cũng không bán!

Hoàng đưa tiền cho cô gái:

-Em tên là gì? Học ở trường nào? Có thể cho tôi biết được không?

-Dạ em tên là Linh, còn con nhỏ kia tên là Lan... Chúng em hiện đang là sinh viên khoa Văn năm thứ ba của trường Đại học Sư Phạm. Em rất cảm ơn thầy đã mua hoa giùm em.

Cô gái chào Hoàng rồi cùng cô bạn leo lên xe đạp hối hả về hướng một con hẻm cuối đường.

*
Vừa về đến nhà, Hoàng vội vã thay một bộ đồ tươm tất, không quên mang theo giỏ hoa vừa mới mua rồi dắt xe ra cổng. Vợ Hoàng ngạc nhiên chạy theo hỏi:

-Ông đi đâu vậy? Sao không ở nhà ăn cơm? Ông đi dự tiệc à?

-Không, tôi đi thăm mộ cô giáo cũ. Bà cứ ở nhà ăn cơm trước đi.

-Ông đợi chiều rồi hãy đi. Khi nãy có mấy em sinh viên là học trò của ông có đến tìm ông nhưng không gặp. Mấy em ấy bảo với tôi là nửa tiếng nữa sẽ quay lại...

-Cứ để họ chờ. Ngày này mà không đến thăm được mộ cô giáo cũ thì tôi đâu còn mặt mũi nào làm thầy thiên hạ ngồi tiếp học trò cho được. Bà nhớ nói khéo với họ giúp tôi nhé.

Hoàng nổ máy rồi lao vút xe đi, để lại đôi chút ngỡ ngàng trên gương mặt tuy đã đứng tuổi nhưng vẫn còn vương vấn nhiều nét khá xinh của vợ...

Thanh Trắc Nguyễn Văn























------------------------------------------------------------------------------------------
* Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Non Nước số 192, tháng 11.2013
* Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Giáo Dục Và Thời Đại số 288, ngày 2.12.2013
* Truyện ngắn đã đăng trên báo Làm Bạn Với Máy Vi Tính số 632, ngày 23.11.2015 với tựa đề là Tiếp thị

Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet 

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)