Bình bài thơ Bi kịch của Thanh Trắc Nguyễn Văn





















Bi kịch trong bài thơ Bi kịch của Thanh Trắc Nguyễn Văn

Bốn câu thơ tứ tuyệt thật ngắn gọn. Nhưng chính bốn câu thơ đó lại gợi mở ra một vở bi kịch khá đặc sắc và đầy kịch tính.

Cảnh đầu chàng và nàng yêu nhau. Nhưng chàng có lẽ do quá nghèo nên gia đình nàng đã gả nàng cho người khác:

“Ngày theo chồng em khóc với hoàng hôn
Và hồn em đã thuộc về ta mãi mãi”

Cái an ủi mà chàng trai nhận được chính là trái tim nàng đã mãi mãi thuộc về chàng. Ngày đám cưới của nàng thật buồn. Vu qui theo chồng nàng không cười mà lại khóc. Đã vậy “còn khóc với hoàng hôn” nữa! Vâng, đám cưới là để mở ra một trang mới cho cuộc sống lứa đôi thế mà nàng nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy toàn “hoàng hôn”! Đúng là do yêu chàng quá mãnh liệt nên nàng đã tự nhìn hôn nhân của mình với một con mắt không được mấy thiện cảm.


Chàng tuy mất nàng nhưng dù sao cũng thật sự hạnh phúc vì người yêu cũ lúc nào cũng luôn nhớ về mình.

Cảnh sau chàng và nàng tái ngộ. Nhưng cảnh tái ngộ thật đáng sợ với từ “cướp” đầy hung hãn và bạo lực.

“Giờ cướp lại em bằng bạc tiền vung vãi
Ta được thân xác em nhưng lại mất linh hồn!”

Chàng đoạt lại tình yêu của nàng không phải bằng lòng nhân ái, bằng tình yêu cao thượng mà chính là “cướp” lại bằng “tiền”. Câu thơ thứ ba thật lạnh lùng và khốc liệt. Lúc đầu tôi đọc không kỹ nên cứ nghĩ là câu thơ tầm thường sau:

“Giờ cướp lại em bằng bạc tiền vương vãi”

Nhờ một cô bạn nhắc nhở tôi mới biết đó là từ “vung vãi” chứ không phải là “vương vãi”. Tôi thật sự thán phúc cách chọn lọc và dùng từ của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn. Tiền vương vãi là tiền bị rơi rớt do chủ nhân lơ đễnh, không cố ý. Còn tiền vung vãi là “vung” tiền ra, để cho tiền rơi rớt có chủ ý, nhằm cho mọi người biết ai là “đại gia”. Kẻ dùng tiền muốn “mua” mọi thứ cho bằng được kể cả tình yêu. Nó thể hiện bản chất đầy thủ đoạn của một tên tài phiệt: “Cái gì nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng tiền nhiều hơn!”.

Kết quả là chàng và nàng của ngày xưa không còn nữa. Chàng đã biến thành một tên tài phiệt chỉ biết chiếm đoạt thân xác phụ nữ. Còn nàng cũng biến thành một ả hám tiền không hơn không kém.

Bài thơ tứ tuyệt chỉ có bốn câu mà sao hiện thực, mà sao đau xót đến thế?

(Trang web văn học Đất Đứng tháng 5 năm 2011)

Kim Như

-----------------------------------------------------------------------------------

Bi kịch


Ngày theo chồng em khóc với hoàng hôn
Và hồn em đã thuộc về ta mãi mãi
Giờ cướp lại em bằng bạc tiền vung vãi
Ta được thân xác em nhưng lại mất linh hồn!

Thanh Trắc Nguyễn Văn










----------------------------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)