Bi hài chuyện gác thi tốt nghiệp

 
































Bi hài chuyện gác thi tốt nghiệp

Đi gác thi là chịu nhiều áp lực

Gác thi Tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH) là bổn phận và quyền lợi của tất cả các giáo viên dạy cấp ba. Để gác thi cho khách quan, Sở Giáo Dục và Đào Tạo tp.HCM qui định các giáo viên không được gác thi ở các trường thuộc quận mình đang giảng dạy. Họ phải mang cơm đùm, cơm nắm sang gác thi ở các quận bạn. May mắn thì được phân công gác thi ở một quận hoặc huyện gần nhà. Còn không may thì khỏi phải bàn, vừa vất vả vừa mệt mỏi vì phải đi xa nhà.

Nhiều người cứ bảo gác thi có gì mà phải ầm ĩ? Gác thi là công việc vô cùng đơn giản! Vâng gác thi vô cùng đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể đi gác thi được. Biết bao tai nạn, bao hiểm nguy có thể rình rập người giáo viên đi làm giám thị. Năm 2010, có một giáo viên làm giám thị 2, do nhầm lẫn tưởng là những bài thi đã hủy nên vô tình xé bảy bài thi. Kết quả là giáo viên này bị đình chỉ coi thi và bị kỷ luật. Trước đó khoảng năm 2002, có một giáo viên khác làm giám thị gác thi “hơi khó”. Khi về ra bãi xe, cô giật mình khi thấy kính chiếu hậu của chiếc xe gắn máy cà tàng của mình đã bị ai đó ném đá cho bể tan tành!


Trước đây, trường tôi cũng có một cô giáo viên dạy văn đi làm giám thị 2 ở Hội đồng thi thuộc một trường ở Thủ Đức. Trong phòng thi cô gác có một thí sinh sử dụng tài liệu ở môn thi cuối cùng, em này bị giám thị 1 là một giáo viện dạy trường H. lập biên bản. Chủ tịch Hội đồng thi “linh cảm” giám thị 1 bị “nguy hiểm” nên cho giáo viên này ra về trước không cần dự cuộc họp rút kinh nghiệm cuối kỳ thi. Khi cô giáo dạy văn ra về tới Xa lộ Hà Nội thì giật nảy mình vì thấy em thí sinh đó và một vài bạn trai khác đang chờ sẵn! Cũng may lúc đó là có nhiều đồng nghiệp nam cùng trường đi theo. Một thầy đã nhanh trí gọi điện thoại cho lực lượng cảnh sát 113 đến hỗ trợ. Cô giáo tuy thoát nạn nhưng vô cùng bức xúc vì cô không phải là người phát hiện tài liệu và lập biên bản em đó. Thật đúng là giận cá chém thớt!

























Đi làm giám thị bị rất nhiều áp lực. Có áp lực vô hình từ thí sinh. Có khi đi gác thi bị tai nạn phải tử vong, mà nguyên nhân thì rất mập mờ! Có khi đi gác thi bị lây bệnh truyền nhiễm. Có giám thị do thiếu tập trung nên mắc sai phạm nặng nề phải bị kỷ luật. Sau đây là một vài số liệu mà người viết thu thập được.

1. Trưa ngày 3.6.2010, tại Nghệ An. Sau khi gác thi xong, một số thầy giáo trường Nghi Lộc 3 thuộc Hội đồng thi Quỳnh Lưu 4 đang đi dạo trên vỉa hè thì bị 2 thanh niên đi xe máy “tự nhiên” lao vào! Hậu quả, thầy giáo Phạm Văn Cường (sinh năm 1972) bị ngã đập đầu xuống đường, chảy máu rất nhiều, bị thương khá nặng.

2. Theo ông Lê Ngọc Cảnh, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, chiều 2.6.2011, trên đường đi đến điểm thi trường Trung học phổ thông Lê Quảng Chí (huyện Kỳ Anh) hai giám thị là giáo viên trường Trung học cơ sở Sơn Hà (huyện Cẩm Xuyên) là Hoàng Tuấn Đàn và Hoàng Việt Hùng đã bất ngờ bị ô tô đi cùng chiều tông chết tại chỗ. Công an đang tiến hành điều tra.

3. Sáng 2.6.2011, tại tỉnh Thửa Thiên - Huế, gần 10 giám thị coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 đã phải bỏ coi thi vì bị bệnh sốt phát ban.

4.
Trưa ngày 8.5.2005, tại huyện Kbang tỉnh Gia Lai, thi xong môn toán giám thị thu bài thì một số thanh niên đi xe tháo biển số rú ga chạy lòng vòng trong sân trường. Một tên chỉ mặt thầy Trương Quang Hà: “Chiều nay chúng mày coi thi cho nhẹ nhàng chứ không có đường về Gia Lai đâu!”.

Chúng còn dọa: giám thị ra ngoài sẽ bị đánh chết. Những hành vi côn đồ ngang nhiên và những lời lẽ mạt sát giám thị diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật đã làm cho không ít thầy cô giáo ngạc nhiên và lo sợ.

Khoảng 10h30 ngày 8/5, cô Đỗ Thị Hải Lan và cô Nguyễn Thị Quốc Nam, người đầu tiên từ trong Hội đồng thi ra ngoài vì nghĩ rằng mình không làm gì mất lòng thí sinh. Vừa ra khỏi cổng trường 30m, một thanh niên chạy tới chặn xe cô Lan, một thanh niên khác tát thẳng vào mặt cô.

Xe mất đà cô Lan ngã dúi dụi xuống đường, tên côn đồ nọ tiếp tục nhảy vào đấm vào mặt cô. Cô Nam ngồi sau xe hốt hoảng chạy ngược vào trường liền bị 2 tên khác chặn lại.

Thấy cô quá hoảng sợ, chúng cười khẩy cảnh cáo. Ngay sau đó các giám thị trong trường chạy ra, bọn chúng lên xe phóng mất. Các giáo viên còn lại sợ không dám về chỗ ăn trưa, phải nhờ đến lực lượng công an huyện đưa đi.

Chiều ngày 8/6, huyện Kbang cho một xe ô tô đến đưa các thầy cô không có xe máy về (những người có xe máy thì đi về bằng xe máy) với 10 cán bộ chiến sĩ công an huyện hộ tống.

Trên đường đi, các thầy cô giáo thấy từng tốp thanh niên đi trên đường cầm theo gậy, mã tấu lạng lách, hăm dọa họ.

Thầy Nguyễn Tiến Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mang Yang, Tổ trưởng thanh tra hội đồng thi Kbang đã bị một tốp thanh niên vây ép, tách thầy ra khỏi đoàn.

Hoảng sợ thầy chạy vào nhà một người dân ven đường trú ẩn rồi gọi điện về cho Sở giáo dục, công an huyện nhờ giải cứu. Công an huyện Kbang phải cử 4 chiến sĩ đến đưa thầy Mạnh về.

Đoàn giáo viên coi thi trở về dù có công an hộ tống, song nhiều người dân ven đường đã chạy ra khuyên họ không nên tiếp tục đi bởi đã nhìn thấy nhiều thanh niên phóng xe chặn đường.

Một phụ huynh chạy vội theo nói với các thầy cô: “Thầy cô đừng đi, con tôi đã bị bọn xấu rủ đi đường tắt đến xã Nam (thuộc địa phận huyện Đăk Pơ) chờ các thầy cô đến là đánh chết đó!”.

Các thầy cô vừa ra hết địa phận huyện Kbang thì bất ngờ bị một tốp người phóng xe máy đến tấn công, dùng gậy đập vào đầu cô Nguyễn Thị Thanh Hà làm cô ngã xuống đường bất tỉnh và tấn công nhiều người khác. (Theo Việt Báo)


Đi gác thi làm giám thị được lãnh bao nhiêu tiền?

Trước năm 2007, tiền hỗ trợ gác thi rất ít chỉ là tượng trưng. Khoảng năm 2005, tôi và một số đồng nghiệp từ quận Bình Thạnh phải lên gác thi ở Củ Chi. Nhà trường có cho xe 15 chỗ đưa rước giáo viên đi gác thi xa. Nhưng xe được đưa đến không hiểu sao trong xe lại có “mùi” hơi khó chịu, muỗi cũng rất nhiều! Xe lại hơi cũ nên nhiều giáo viên cứ bị say xe. Kết quả là những ngày sau gần phân nửa số giáo viên chuyển sang tự túc đi xe gắn máy, trong đó có tôi. Nhà tôi ở quận 3, tôi phải rời xe khỏi nhà từ 4 giờ 30 sáng, chạy đến nơi gác thi thì vừa đúng 6 giờ sáng!

Trưa, gác thi buổi sáng xong. Trường sở tại nghèo, ăn uống phải tự ra ngoài ăn. Phòng nghỉ giám thị nam và nữ mỗi phòng chỉ có chừng 4 chỗ nằm. Để nhường chỗ nghỉ cho các giám thị lớn tuổi, tôi và nhiều giám thị khác phải “lang thang” ở các quán cà phê hoặc các tiệm net đợi cho đến giờ thi buổi chiều. Tội nghiệp nhất là các cô, có cô mệt quá cứ ngồi dật dựa trên ghế uống nước vì quá mệt mỏi.

Đến khi nhận tiền gác thi, tính toán lại thì bị hụt một ít. Về nhà vợ tôi hỏi tiền bồi dưỡng của những ngày đi gác thi, tôi nói thật nhưng cô vợ có vẻ không tin cứ lén nhìn dò xét mãi!

Năm nay 2011, đi gác thi tốt nghiệp tiền bạc có khá hơn nhiều. Tôi và các bạn đồng nghiệp được cử đi gác thi ở một trường thuộc quận 7. Tuy đi xe gắn máy khoảng 40 phút là có thể từ nhà tới nơi gác thi, nhưng chiều sợ kẹt xe, sợ trời mưa lớn không đến kịp giờ thi nên chúng tôi đều quyết định trưa ở lại. Nghĩa là lại tiếp tục tái diễn cảnh ăn cơm bụi, lang thang ở các quán nước...

Hôm họp Hội đồng thi buổi đầu tiên, Ban lãnh đạo công bố mỗi ngày mỗi giám thị được lãnh 90.000 đồng. Sáu ngày gác thi mỗi giám thị được lãnh 540.000 đồng. Nhưng mỗi người đều phải đóng thuế thu nhập 10%! Trời ạ, đi gác thi là làm nhiệm vụ chớ có kinh doanh gì đâu mà phải đóng thuế thu nhập? Với thời bão giá bây giờ, tiền xăng, tiền ăn tiền uống đều đội giá lên trần thì 540.000 đồng cho sáu ngày gác thi vất vả là có đáng được bao nhiêu mà đánh thuế?

Đáng thương nhất là một cô giáo bạn tôi có con mọn. Những ngày gác thi cô phải gởi con cho người em để đi làm nhiệm vụ. Cô chưa có mã thuế nên phải bị đóng thuế thu nhập lên đến 20%! Nghĩa là từ 540.000 đồng, sau khi đóng thuế cô chỉ còn đúng 432.000 đồng! Tôi quay lại nhìn cô và thấy mắt cô ngân ngấn lệ... Ôi gác thi tốt nghiệp! Ôi thuế thu nhập!


2011
(Bài viết đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 164 ngày 23.6.2011)

Thanh Trắc Nguyễn Văn



















------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 164 ngày 23.6.2011

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)