Khi người thầy được phân công đi quét rác


Vũ Thị Huệ (người giơ tay) trong đội bóng chuyền Quảng Ninh vô địch quốc gia năm 1992




Khi người thầy được phân công đi quét rác!

Chị Vũ Thị Huệ là một nữ vận động viên bóng chuyền của đội Than Quảng Ninh. Từ năm 15 tuổi, chị đã tham gia đội bóng chuyền Than Quảng Ninh, sau này lần lượt đổi tên thành CLB Quảng Ninh rồi Bưu Điện Quảng Ninh. Thành tích của chị là 2 lần cùng đội vô địch quốc gia, và chị được gọi vào đội tuyển nữ bóng chuyền Việt Nam năm 1993.


Năm 1998, do bị vỡ gối trái, chị Vũ Thị Huệ chuyển sang làm huấn luyện viên cho đội bóng chuyền trẻ Quảng Ninh. Chị cũng có thể được coi là một người thầy vì đã trực tiếp giảng dạy cho các thế hệ sau. Các em vận động viên trẻ cũng đều gọi chị một cách kính trọng là “cô”. Cũng nói thêm, trong thời gian làm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, huấn luyện viên người Bồ Đào Nha Calisto cũng vẫn thường được báo chí gọi thân mật với cái tên “thầy Tô”. Nhấn mạnh điều này, người viết muốn khẳng định tuy không cầm phấn như các giáo viên đứng lớp, nhưng chị Huệ vẫn phải được xem đúng nghĩa như là một người thầy, điều này không cần gì phải bàn cãi nữa.




Vũ Thị Huệ nhận danh hiệu trọng tài bãi biển xuất sắc do nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu trao

Chị Vũ Thị Huệ cũng là người rất cầu thị, chị đi học thêm tiếng Anh để có thể làm trọng tài quốc tế. 12 năm là VĐV, 11 năm là HLV bóng chuyền, hàng trăm lần cầm còi tại các trận bóng chuyền trong nước, quốc tế với tư cách trọng tài tại SEA Games 22, điều hành trận chung kết Giải bóng chuyền bãi biển châu Á tại Thái Lan năm 2008... chị Huệ nhiều lần nhận danh hiệu trọng tài xuất sắc giải đấu...

Là cán bộ biên chế chính thức của Sở VH-TT&DL Quảng Ninh, chị Huệ là HLV trưởng đội bóng chuyền trẻ tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh. Ngày 7-6-2010 HLV Vũ Thị Huệ bị tái phát chấn thương giãn dây chằng gối, sau một pha lên bóng hướng dẫn khi huấn luyện đội trẻ Quảng Ninh chuẩn bị cho Giải bóng chuyền trẻ toàn quốc diễn ra tại Quảng Trị vào tháng 7- 2010.

Khi không còn lành lặn, phải đi khập khiễng với đôi chân sưng vù do tái phát chấn thương, chị Vũ Thị Huệ được ông Nguyễn Đình Thủy giám đốcTrung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh phân công làm tạp vụ nghĩa là rót nước pha trà và đi... quét rác!

Chín tháng phải làm tạp vụ trong nước mắt tủi nhục, chị Huệ tâm sự với báo Tuổi Trẻ: "Đau xót vô cùng... mỗi lúc tôi nghẹn lời khi đứng trước câu hỏi ngây thơ của các VĐV ở trung tâm: Cô ơi, sao giờ cô lại làm việc này?”. “Vì lòng tự trọng tôi không dám nói với cả chồng con việc mình phải đi quét rác. Hiện nay dù đã chuyển sang công việc mới ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hạ Long, nhưng mỗi lần nghĩ đến hơn chín tháng làm tạp vụ, trái tim tôi vẫn tan nát”.




Ông Nguyễn Đình Thủy - Ảnh: k.x.


Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Thủy và điều rất bất ngờ là người viết đọc được sự thờ ơ lạnh lùng đến mức nhẫn tâm của ông đối với một người thầy đã từng đạt được nhiều danh hiệu xuất sắc trong và ngoài nước. Ông cho biết quét rác là chuyện “bình thường”. Trước đó huấn luyện viên Nguyễn Thu Hương cũng đã từng được phân công đi quét rác! Trời ạ, không ai ngờ là Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh lại có truyền thống “tôn sư trọng đạo” đến như vậy! Không phải một mà đã có đến hai người thầy đã được phân công quét rác ở Trung tâm Văn hóa – Thể thao Quảng Ninh!

Sự việc không dừng ở đó, tháng 10-2010 theo triệu tập của Liên đoàn Bóng chuyền VN, chị Vũ Thị Huệ được gọi đi làm trọng tài tại Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế ở Vũng Tàu nhưng ông Nguyễn Đình Thủy vẫn không cho đi. Mặc dù chị Huệ có tha thiết xin đi, và ông Trần Đức Phấn (tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN) đã có trao đổi với ông Thủy nhưng ông Thủy vẫn không cho đi. Ông Nguyễn Đình Thủy lý giải: “không có chị Huệ người ta vẫn tổ chức được giải cơ mà”, “vì nếu chị Huệ đi thì ai quét dọn thay. Vì thế tôi không cho đi”, “Chúng tôi có nhiều trọng tài quốc gia chứ đâu phải mỗi chị Huệ. Cán bộ phải có người làm thay chứ, giờ không có người quét rác thay thì không đi được”. (Theo báo Tuổi Trẻ). Thật không hiểu nổi về cách dùng người tài của ông giám đốc Thủy này! Và quả thật cũng đáng nể thay cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh, trọng tài giỏi thì có rất nhiều nhưng người quét rác thì chỉ có một và không thể tìm được người thay thế! "Tiêu chuẩn" được làm người quét rác ở trung tâm của ông "cao" đến thế sao hở ông Nguyễn Đình Thủy?

Ông Nguyễn Đình Thủy tỏ ra mình rất khách quan không hề có ý trù dập chị Vũ Thị Huệ bằng cách ông đưa ra rất nhiều lý lẽ, nguyên tắc để biện minh cho sự “chí công vô tư” của mình. Nhưng trong khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ông ta đã nói hớ một câu: “Chị Huệ đã chuyển công tác rồi mà vẫn quay lại nói xấu cơ quan cũ. Nếu biết thế này tôi còn đày ở đây chứ chưa ký cho đi” (Theo báo Tuổi Trẻ).

Thật đáng sợ thay cho một chữ “đày”. Một à không đã có đến hai người thầy đã từng bị “đày” quét rác ở Trung tâm Văn hóa – Thể thao Quảng Ninh! Một ông giám đốc trung tâm Văn hóa mà lại có hành động rất có “văn hóa” là “đày” người thầy, người làm huấn luyện viên, người đào tạo thế hệ trẻ đi quét rác! Chẳng trách làm sao mà nền thể thao nước nhà vẫn cứ ì ạch mãi không tiến lên được!

(Trang web văn học Văn Đàn Việt tháng 7.2011)

Thanh Trắc Nguyễn Văn
Ảnh. Báo Tuổi Trẻ
Tham khảo: Báo Tuổi Trẻ ngày 1.7.2011

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)