Chùa Một Cột, ngôi chùa cổ gần 1000 năm
Tranh đá quí do cửa hàng Lục Yên cung cấp
Chùa Một Cột, ngôi chùa cổ gần 1000 năm
Đến Hà Nội, khách du lịch thường đi thăm Lăng Hồ Chủ Tịch. Bên trong khuôn viên Lăng Hồ Chủ Tịch – Khu di tích Phủ Chủ Tịch – Di tích Nhà sàn Bác Hồ - Nhà Bảo Tàng Hồ Chí Minh, còn có chùa Một Cột, một trong những ngôi chùa đặc sắc nhất của Việt Nam. Chùa Một Cột hiện giờ thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố thủ đô Hà Nội.
Theo một số tư liệu, chùa được khởi công xây dựng từ năm Kỷ Sửu 1049, vào đời vua Lý Thái Tông (1024-1058), vị vua thứ hai của các vua triều Lý, sau vua Lý Thái Tổ. Lý Thái Tông là một vị vua văn võ toàn tài. Ông đã nhiều lần cầm quân dẹp loạn các thế lực phong kiến trong nước âm mưu ly khai khỏi nước Đại Việt. Lý Thái Tông cũng đã từng sang chinh phạt và đại thắng nước láng giềng Chiêm Thành, vì nước này thường hay nhũng nhiễu gây rối vùng biên cương phía nam của tổ quốc chúng ta.
Chùa Một Cột tuy nhỏ nhưng luôn có khách thập phương tấp nập đến viếng
Chùa được xây dựng là do giấc mộng của vua Lý Thái Tông. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, vua nằm mộng thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Khi vua tỉnh dậy kể lại với bầy tôi, thì nhà sư Thiền Tuệ cho đó là điềm lành và khuyên vua nên xây chùa. Khi xây chùa vua cho dựng cột đá như đã thấy trong giấc mộng, làm tòa sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột, rồi sau đó các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu nguyện cho phúc lành được mãi mãi. Cũng vì lẽ đó chùa có tên là chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu).
Chùa yên lành ẩn mình sau tàng cây
Chùa Một Cột là một công trình kiến trúc sáng tạo độc đáo và thật lãng mạng. Các cột chống chéo từ cột chính đến sàn vừa vững chắc, vừa tạo hình thể như những cánh hoa sen. Bên dưới chùa là một hồ nước hình vuông tượng trưng cho đất (trời tròn, đất vuông). Chùa chỉ có một cột chính và siêu nhỏ nhưng giá trị văn hóa của chùa thật vô cùng to lớn. Ngôi chùa nhỏ bé và mỏng manh như thế, nhưng rất vững vàng và đã tồn tại đến nay gần 1000 năm. Ngôi chùa Một Cột sẽ còn trường tồn mãi mãi trong nền văn hóa và lòng tự hào dân tộc của những người Việt Nam
Bài và ảnh: Thanh Trắc Nguyễn Văn
Nhận xét
Đăng nhận xét