Tạp văn: Tản mạn về sự tích bánh trung thu


























TẢN MẠN VỀ SỰ TÍCH BÁNH TRUNG THU

Theo âm lịch, tết Trung Thu chính là ngày rằm tháng tám mỗi năm. Tháng tám là tháng giữa mùa thu (trung thu), khí hậu trời dịu mát, trăng rằm lại đẹp nhất trong năm. Người ta liền bày tiệc để cùng nhau ăn uống và ngắm trăng. Tết Trung Thu là của người Trung Hoa, có lẽ đã lưu truyền sang nước ta từ lâu lắm rồi. Bánh dùng để ăn trong dịp tết Trung Thu gồm bánh nướng và bánh dẻo.






































Người Trung Hoa thường gọi bánh nướng là bánh nguyệt (bánh trăng), có ý nghĩa là vui vẻ đoàn tụ dưới trăng. Bánh nguyệt thường được người Trung Hoa dùng cúng trăng và cúng thổ địa vào mỗi dịp lễ tết trung thu hằng năm. Sở dĩ gọi bánh trung thu là nguyệt cũng vì ngày xưa bánh trung thu phải là hình tròn. Trên mặt bánh người ta thường in hình Hằng Nga, Thỏ Ngọc thật cầu kỳ trang trí cho bánh. Bánh nướng phải có vỏ cứng để tượng trưng cho sự cứng cáp, vững bền. Từ thời Tây Hán, bánh nguyệt còn được gọi là bánh hồ (Hồ là tên một dân tộc phía bắc nước Trung Quốc ngày xưa). Theo dã sử Trung Quốc, có lần sứ thần Trương Thiên đi Tây Vực về có mang theo các nguyên liệu như hạt mè, hồ đào, dưa hấu,... làm bánh trung thu rất ngon nên bánh có tên là bánh hồ cũng từ ấy. 

Phong tục ăn bánh trung thu vào ngày rằm tháng tám của người Trung Quốc có lẽ bắt đầu có từ cuối đời Nguyên. Thời đó người Trung Quốc đang bị triều đình nhà Nguyên (người Mông Cổ) cai trị rất khắc nghiệt. Nhiều cuộc khởi nghĩa của người Trung Quốc (chủ yếu là dân tộc Hán) nổi lên chống lại, trong đó có Chu Nguyên Chương, một thủ lĩnh xuất sắc có nhiều uy tín. Bấy giờ để tập hợp lực lượng trong thành Tô Châu, trong khi mọi thông tin đều bị triều đình kiểm soát rất gắt gao, một bầy tôi giỏi của Chu Nguyên Chương là Lưu Bá Ôn đã nghĩ ra một kế sách. Ông giả làm đạo sĩ vào thành loan tin cho mọi người là sắp có đại họa lớn. Để tránh họa mọi người hãy nhận bánh trung thu của ông về ăn đúng vào đúng đêm rằm tháng tám. Đêm hôm đó mọi người cùng cắt bánh ra ăn thì thấy tờ giấy có dòng chữ “đêm rằm tháng tám khởi nghĩa lật đổ triều đình”. Nhờ vậy nhân dân khắp nơi trong thành Tô Châu không hẹn mà gặp, cùng hưởng ứng vùng lên khởi nghĩa. Sau này, đối với người Trung Quốc ăn bánh trung thu là một tập tục không thể thiếu được trong năm.

Ngày nay, mua bánh trung thu là thói quen của người Việt chúng ta. Ăn thì ít, chủ yếu là để “biếu” thì nhiều. Công nghệ thực phẩm này là nguồn lợi tức khổng lồ giúp cho các “đại gia” làm bánh trung thu chỉ một lần sản xuất thôi mà có thể chi tiêu cả năm trời. Đó là vì họ đã có kỳ công làm ra những cái bánh cực kỳ “đắt đỏ”. Ở thế kỷ trước, thập niên những năm 80 và 90, đã từng có “truyền thuyết” nhiều người có quyền cao chức trọng thường nhận được những chiếc bánh trung thu “cao cấp” có nhân là vàng miếng bên trong! Than ôi, xã hội của chúng ta ngày càng ngập tràn bạo lực, ngày nào cũng có tin người bị chết không phải bị giết vì những xích mích không đâu thì cũng tử nạn vì tai nạn giao thông. Văn hóa trung thu chúng ta cũng đang xuống cấp nặng nề không kém, nhiều người đang dùng bánh trung thu của trẻ em để mua bán, trao đổi những cái họ cần mà vẫn còn đang thiếu. Buồn thay!


2011
(Bài viết đã đăng trên trang web văn hóa nghệ thuật Đất Đứng tháng 9 năm 2011)

Thanh Trắc Nguyễn Văn




































Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)