Khi kẻ sát nhân khoác màu áo lương y


Mẹ của Võ Như Hảo đang thắp hương cho đứa con gái phải chết oan vì những kẻ sát nhân khoác màu áo lương y



Khi kẻ sát nhân khoác màu áo lương y

A. Chưa có bao giờ ở nước ta lại có số bệnh nhân chết vì bác sĩ gia tăng đến mức báo động như hiện nay. Gần đây nhất có các tin sau đây:

1. Ngày 14-10-2011, ông Cao Quốc Chiến (ở ấp Sơn Nam, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) cho biết rất bức xúc trước cái chết oan uổng của vợ là Võ Thị Lành (33 tuổi) nên đã yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ.



Theo ông Chiến, chiều 13-10, khi vợ ông đang chuẩn bị đám cưới cho em ông thì thấy trong người mệt mỏi nên có đến nhà (tổ y tế tư nhân tại ấp Sơn Thái, xã Nam Thái Sơn) của bác sĩ Đặng Văn Xê - trưởng phòng kế hoạch Bệnh viện Hòn Đất - chích thuốc.

“Tuy nhiên, bác sĩ Xê không có ở nhà nên vợ là Trần Thị Lệ (y sĩ) chích thuốc. Vừa chích xong vợ tôi lập tức bị sốc thuốc, mặt tím ngắt, da nhợt nhạt, tay không cử động được. Khi đưa đi cấp cứu thì đã muộn” - ông Chiến bức xúc (Theo báo Tuổi Trẻ).

2. Ngày 14-10, bác sĩ Võ Thị Chín - giám đốc Sở Y tế Tiền Giang - cho biết sở đã đình chỉ hoạt động khám bệnh ngoài giờ của bác sĩ Bạch Nui Tư tại phòng khám ngoài giờ của phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thanh Linh.

Do việc bác sĩ Tư khám bệnh và tiêm thuốc Piroxicam (kháng viêm, giảm đau) làm bệnh nhân Lê Văn Dân tử vong ngày 28-9-2011 là sai. Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện huyện kiểm điểm, xử lý kỷ luật bác sĩ Tư (Theo báo Tuổi Trẻ).

B. Còn sau đây là những tin cực sốc:

3. Khoảng 18 giờ 30 ngày 28-10-2009, bà H. (mẹ ruột nạn nhân L.) cùng anh M. (chồng nạn nhân L,) đưa chị L. đến bệnh viện Thủy Nguyên khám. Bác sĩ phòng cấp cứu kiểm tra và bảo chị L phải đi chụp X quang để chẩn đoán, anh M. phải bế chị L. (lúc này rất đau, đi lại không vững) vào phòng chụp X quang ngay ở tầng 1 bệnh viện để chụp.

Trong phòng chụp X quang khi đó chỉ có nhân viên kỹ thuật y tế Nguyễn Văn Tiếp. Ngay sau khi đặt chị L. xuống bàn để chụp X quang, Tiếp bảo bà H. và anh M. ra ngoài chờ.

Khoảng 10 phút sau, bà H nghe con gái (chị L.) hét ầm lên Ối mẹ ơi! Cứu con với... Khi đó, bà H. và anh M. chỉ nghĩ là bác sĩ đang khám bệnh và chắc đau quá nên chị L. mới hét lên.

Hơn 10 phút sau, Nguyễn Văn Tiếp mở cửa phòng chụp, chị L. đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch, mặt thất thần, hoảng hốt, lê bước ra khỏi phòng chụp X quang ngã vào vòng tay bà H. khóc tức tưởi.

Bà H. vội đỡ con gái hỏi nguồn cơn. Chị L. kể: Khi vào phòng chụp X quang, Nguyễn Văn Tiếp đã bắt chị cởi hết quần áo để chụp. Tưởng phải như vậy, sau hồi luống cuống, chị L. chỉ cởi một phần liền bị Tiếp mắng nói phải cởi hết mới chụp được.

Đang đau, tin lời cán bộ y tế, chị L. cởi hết quần áo. Khi chị L. vừa nằm lên bàn chụp Tiếp liền lao vào ôm chặt, và giở trò đồi bại... Chị L. la lên kêu cứu thì bị Tiếp nhét búi giấy vào mồm và lấy tay bịt chặt miệng. Xong việc, Nguyễn Văn Tiếp bảo chị L. mặc quần áo rồi mở cửa phòng...

Quá phẫn uất, bà H. kêu gào, nhiều người xúm đông lại ở cổng bệnh viện Thủy Nguyên tỏ thái độ bất bình. Thấy vậy, Nguyễn Văn Tiếp lẻn ra khỏi bệnh viện trốn vào trong làng gần đó... (Theo Việt Báo)

4. Khoảng 3 giờ sáng ngày 28-6-2011, người dân phát hiện em Dương Thị Thu Hiền nằm bất tỉnh ngoài đường. Nghi ngờ Hiền bị hãm hiếp và đánh đập, vào 8 giờ sáng cùng ngày, người thân đưa em vào Bệnh viện đa khoa Năm Căn cấp cứu.

Bác sĩ Trần Thiện Thanh - Giám đốc bệnh viện đa khoa Năm Căn - cho biết khi nạn nhân nhập viện, kíp bác sĩ trực đã khám và hội chẩn kết luận bình thường, không có gì nguy cấp.

Chị Nguyễn Thị Phúc là dì ruột của em Hiền, trực tiếp chăm sóc em tại bệnh viện, cho biết: “Bác sĩ khám và nói cháu khỏe, kêu đưa về nhà. Tôi thấy cháu quằn quại, nên xin bác sĩ cho cháu ở lại viện để điều trị. Đến nửa đêm 28-6 cháu khó thở và nguy kịch, tôi và má tôi kêu cửa bác sĩ trực. Bác sĩ vào khám và nói không sao hết, nằm tới sáng sẽ khỏe, rồi bỏ về ngủ tiếp. Đến khoảng 4h sáng 29-6, cháu tôi trào nước mắt, tắt thở”.

Sau khi em Hiền tử vong, người nhà vô cùng bức xúc, yêu cầu làm rõ nguyên nhân vì sao bệnh nhân nặng như vậy mà bác sĩ khám qua loa rồi nhiều lần trả bệnh nhân về nhà. (Theo Dân Trí)

C. Còn đây là tin mới nhất trong tuần qua:

Tại xã Tân Thanh, bà Nguyễn Thị Thủy (mẹ bệnh nhân Hảo) cho biết sáng 5-10-2011 bà đưa Võ Như Hảo (17 tuổi, ngụ tại xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đến phòng khám Tâm Đức ở thành phố Bến Tre khám bệnh. Sau khi chụp X-quang, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Hảo bị viêm phế quản. Bác sĩ đề nghị bà Thủy đưa con lên tuyến cao hơn để điều trị.

Chiều cùng ngày, bà Thủy đưa Hảo đến phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre). Bệnh viện chuyển Hảo đến khoa nội B để điều trị. Tại đây Hảo ăn uống bình thường, sức khỏe ổn định, đến chiều tối thì thấy mệt, khó thở. Bà Thủy chạy đến phòng trực của bác sĩ Trương Thị Vúng thông báo tình trạng của con và đề nghị bác sĩ xuống khám. Bác sĩ Vúng không trả lời và cũng không xuống khám. Năm phút sau, thấy con rất mệt, bà Thủy chạy trở lại phòng trực bác sĩ Vúng năn nỉ.

Bác sĩ Vúng xuống khám cho Hảo và nói: “Hạ canxi chứ có gì đâu”, rồi đi về phòng. “Một lát sau tôi thấy tình hình không ổn nên tiếp tục chạy lên phòng bác sĩ úng cầu cứu. Bác sĩ Vúng nạt: “Biết rồi!”. Nhưng tôi chờ hoài không thấy ai tới khám nên phải cõng con lên phòng bác sĩ Vúng. Tại đây, tôi van xin bác sĩ xem giùm con tôi. Bác sĩ bảo tôi để con tôi nằm trên băng ca chờ” - bà Thủy kể.

Xót con, bà Thủy xin cho con thở oxy thì bị một y tá nạt: “Bà biết gì mà nói”. Sau đó một y tá lấy kim tiêm định tiêm thuốc gì đó cho Hảo. Bà Thủy ngăn lại và thông báo rằng bác sĩ ở phòng khám Tâm Đức đã nhắc cơ địa của Hảo không tiêm thuốc được. Tuy nhiên y tá phớt lờ lời nói của bà, vẫn tiếp tục tiêm. Vừa tiêm xong thì Hảo tử vong. (Theo báo Tuổi Trẻ)

D. Y đức đã đến hồi báo động đỏ và đề nghị bác sĩ phải học phép biết tôn trọng bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.

Nạn nhân chết khi còn là một thiếu nữ xinh đẹp tuổi mới 17, cái lứa tuổi mà người ta nói “Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu!”. Cô gái chết là do thái độ vô cảm của bác sĩ Trương Thị Vúng và thái độ tắc trách của y tá đã tiêm thuốc. Thật là chua xót cho y đức của ngành y ngày nay. Có người đã nói đùa nhưng đau đớn thay lại có vẻ khá hợp lý: “Cả hai bên đều có lỗi. Bác sĩ Vúng đã quá hờ hững, thản nhiên trước những dấu hiệu báo tử của nạn nhân. Còn mẹ nạn nhân thì lại quá thật thà tin vào y đức của bác sĩ nên đã không chịu chạy đi vay mượn tiền để đưa ra phong bì!”.

Theo tin mới nhất chiều ngày 12-10-2011, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) đã tổ chức họp kiểm thảo trường hợp tử vong của bệnh nhân Võ Như Hảo. Bác sĩ Vúng thừa nhận gia đình bệnh nhân có kêu nhiều lần nhưng bác sĩ Vúng đã chậm trễ trong việc khám cho bệnh nhân Hảo. Làm chết trẻ một mạng người vô tội mới có 17 tuổi như vậy mà chỉ kiểm thảo thôi sao? Đối với gia đình là đã làm mất đi một đứa con gái người ta đã nuôi nấng khổ cực 17 năm trời. Đối với đất nước là đã làm mất đi một trong những con người sẽ làm người chủ tương lai của đất nước sau này.

Người ta đưa con gái đến bệnh viện là để chữa trị cho sống. Phải đâu đem con đến bệnh viện là cho các bác sĩ rồi các y tá có dịp ra oai nạt nộ quát tháo và chích thuốc cho chết tươi! Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Bộ Y Tế nên cho các bác sĩ và y tá học gấp một khóa về cách phải lễ phép, lịch sự với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Bệnh nhân là những người bệnh cần phải nói năng thật nhẹ nhàng, cẩn trọng. Còn người thân của bệnh nhân có khi còn lớn tuổi hơn cả bác sĩ. Họ cũng đều là những người có lòng tự trọng. Không có ai rảnh rỗi ở không mà đến năn nỉ, lạy lục, van xin các bác sĩ và y tá. Họ phải hy sinh hạ mình quị lụy như thế vì thấy người thân đang nguy khốn đến nơi mà các bác sĩ, y tá mặt vẫn cứ lạnh như tiền!

E. Tòa án lương tâm:

Tòa án ngoài đời không mở được thì chúng tôi đành phải mở tòa án lương tâm để xử án vậy, cũng nhằm giúp cho nạn nhân và gia đình nạn nhân vơi bớt đau buồn phần nào.

- Bị cáo Trương Thị Vúng! Bị cáo là bác sĩ mà tắc trách vô trách nhiệm với bệnh nhân như vậy thật không xứng đáng để mặc áo bác sĩ. Bị cáo chính là kẻ gián tiếp gây ra cái chết của nạn nhân.

Tuyên án: bị cáo Trương Thị Dúng phạm tội giết người do chủ quan. Bị cáo phải xin lỗi mẹ nạn nhân vì đã nạt bà và đã không hoàn thành nhiệm vụ làm con của bà bị đột tử.

- Bị cáo y tá chích thuốc (tên là Nguyễn Thị Mai)! Bị cáo chính là kẻ trực tiếp gây ra cái chết tức tưởi của bệnh nhân. Tội càng nặng hơn khi gia đình bệnh nhân đã hết lời can ngăn là họ đã được các bác sĩ ở Tâm Đức dặn là thể trạng của bệnh nhân không thể chích thuốc được. Thế mà bị cáo vẫn ngang nhiên phớt lờ đè bệnh nhân ra chích khiến bệnh nhân đột tử. Bị cáo nên rời khỏi ngành y nếu không sẽ còn có người chết oan vì kiến thức quá dốt nát “chỉ biết có chích thuốc không thôi” của bị cáo!

Tuyên án: Dù có chối cãi thế nào đi nữa bị cáo Nguyễn Thị Mai vẫn chính là kẻ cố ý giết người!

Tòa án lương tâm đã xử, rất mong hai bị cáo cũng còn chút “lương tâm” để tự cắn rứt đến cuối đời và tốt hơn hết là nên tự rời khỏi ngành y để đừng gây thêm những cái chết tức tưởi cho các bệnh nhân khác.

̣(Bài đã đăng trên trang web văn học Văn Đàn Việt tháng 10 năm 2011)

Thanh Trắc Nguyễn Văn

(Ảnh: báo Tuổi Trẻ)

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)