Bình bài thơ Bi kịch của Thanh Trắc Nguyễn Văn






 












Bi kịch

Ngày theo chồng em khóc với hoàng hôn
Và hồn em đã thuộc về ta mãi mãi
Giờ cướp lại em bằng bạc tiền vung vãi
Ta được thân xác em nhưng lại mất linh hồn!

1996
( Tuyển tập thơ Tứ Tuyệt Tình Thi - NXB Đà Nẳng 2005 )

Thanh Trắc Nguyễn Văn

----------------------------------------------------------

"BI KỊCH" - QUA MỘT CÁCH NHÌN

Lời bình: Nguyễn Thanh Tuyên

Không ít lần chúng ta chứng kiến những giọt nước mắt tràn ngập niềm vui và hạnh phúc ngọt ngào của những cô dâu trong ngày xuất giá. Quả tình, cảm xúc đặc biệt, tại khoảnh khắc hiếm hoi ấy đã khôn ngăn những giọt lệ nóng hổi ứa ra cạnh ánh mắt lấp lánh tình yêu và chứa chan hy vọng của bao cô gái sắp bước lên chiếc xe hoa.


Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn thì lại phát hiện ra giọt lệ nghịch cảnh, đầy chua xót trong Bi kịch: "Ngày theo chồng em khóc với hoàng hôn". Ở đây không phải cô dâu trào nước mắt vì sung sướng trước hạnh phúc trăm năm mà đó là những dòng lệ mặn chát, xót xa trước tình yêu bị tan vỡ. Trên cái khung nền ảm đạm tàn ngày được tác giả bối cảnh tạo không gian trong thơ đã gợi cho độc giả liên tưởng về sự gả bán, ép buộc - cưỡng hôn (?) Và chính tại đây người đọc chưa hề thấy mảy may dấu vết chất kết dính keo sơn của nghĩa vợ tình chồng.

Người con gái ấy bước chân về nhà trai mà hồn (tình yêu) thì mỗi phút mỗi dừng. Tâm khảm cô ước ao tình riêng mãi mãi định vị nơi buồng tim của người yêu cũ.

...Dòng sông thời gian thì muôn đời vẫn mải miết trôi, là con trượt cho bao biến cố thăng trầm ở cõi người...

Và thoắt đà, ngôi thứ nhất "ta" trong thơ đã "Vinh thân phì gia" thoát cảnh bần hàn. Anh ta đã đủ ưu thế và tiềm lực chủ động trả thù cho thất bại quá khứ và chẳng ngán cướp lại người phụ nữ xưa từ tay người đàn ông khác bằng tất cả (cộng hưởng với sự hiếu thắng của bản thân. Và cái người tự nhân xưng là "ta" ấy đã: "... cướp lại em bằng bạc tiền vung vãi"

Cũng chẳng lạ lùng gì ở một xã hội khi bị đồng tiền thao túng, lũng đoạn thì mọi sự chiếm đoạt chóng vánh thành công đều nhờ vào uy lực của đồng tiền.Và đúng vậy, cậy nhiều tiền kẻ trọc phú nọ đã vung tay đoạt ngôi sở hữu cá nhân. Mục đích cơ học... đơn thuần của anh ta cuối cùng cũng đã mĩ mãn : "Cướp được thân xác em ...".

Đến đây cứ tưởng "hận" xưa được gột, tình xưa "lai hồi", song tác giả đã tạo bất ngờ đầy khôn khéo qua nửa câu thơ cuối của mình "... nhưng lại mất linh hồn!".

Thế đấy! Dường như xen lẫn yếu tố ly kỳ pha đậm kịch tính tại đây? Song, muôn đời tình yêu luôn là sự tự nguyện hiến dâng, là sự dung hòa giữa tâm hồn và thể xác. Nó không bao giờ chấp nhận sự mua bán, cưỡng đoạt. Mặt khác có người dư thừa vật chất chắc chi đã giầu có về tâm hồn. Nhân vật, ngôi thứ nhất trong thơ giờ đã bị tha hóa biến chất khác xưa. Cụm từ ngắn mang tính khẳng định "Mất linh hồn" giúp ta ngộ ra: người phụ nữ xưa không thể nhận ra anh được nữa, nàng đã quá lạ lẫm với tính cách bạo liệt, thiếu nhân tâm của anh lúc này. Nói đúng ra anh không xứng đáng với tình yêu mà cô ấp ủ dành cho anh kể tự thời xa: "Và hồn em đã thuộc về ta mãi mãi".

Nghiền ngẫm, độc giả thấm thía hơn với "Bi kịch", thi phẩm của Thanh Trắc Nguyễn Văn. Bi kịch không còn giới hạn trong phạm vi hôn thú mà giúp ta mở rộng tầm nhìn tới cả một chế độ xã hội. Kinh tế dù tăng trưởng đến mấy mà mất bản sắc văn hóa, đạo đức con người bị băng hoại, bị tha hóa biến chât, vô cảm cảm trước nỗi đau của đồng loại... lâu dần sẽ thành một xã hội hổ lốn thiếu văn minh, chắc chắn thụt lùi. Khi số đông người đời mải ham hố vật chất mà quên lãng lương tri thì chế độ xã hội ấy khó có thể trường tồn.

Linh hồn trong thơ chính là tình yêu, là văn hóa sống. Mượn một chuyện tình gửi gắm tư tưởng qua tác phẩm văn học, ta thấy Thanh Trắc Nguyễn Văn sáng suốt trong phát hiện vấn đề. Người cầm bút đã thể hiện rõ trách nhiệm công dân qua lao động nghệ thuật của mình. "Bi kịch" ra mắt từ 16 năm trước tới nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị cảnh báo trong tác phẩm. Đó là thiển nghĩ của riêng tôi. Nên chăng, chúng ta hãy đóng góp thêm lời bình trước điều mà mà có lẽ đó đây đương là vấn nạn?

(Trang web văn học Đất Đứng ngày 18.5.2012)

Bs. Nguyễn Thanh Tuyên
(Hội viên HNV Hải Phòng)




























----------------------------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)