Giới thiệu Tuyển tập thơ Muôn Dặm Tình Quê 7






Đọc tập thơ tuyển Muôn Dặm Tình Quê 7 với đôi điều cảm nhận

Tập thơ tuyển Muôn Dặm Tình Quê 7, NXB Văn Hóa – Văn Nghệ ấn hành năm 2012, do nhà thơ Lê Đình Hiếu chủ biên, ra đời với những tấm lòng nhiệt huyết của những người thích thơ, yêu thơ và say thơ. Có một điều khá thú vị là tập thơ tuyển là nơi tập hợp rất nhiều những tác giả có quê quán hoặc hiện đang sinh sống, công tác ở Bình Định như: nhà thơ Lê Bá Duy, Song An, Minh Anh, Định Ban, Lê Sông Côn... Và càng thú vị hơn nữa khi nhà thơ Lê Đình Hiếu, chủ biên tuyển tập thơ cũng hiện đang sinh sống tại Bình Định, lại có một lầm lẫn thật “đáng yêu” là anh cho luôn Thanh Trắc Nguyễn Văn, tác giả bài viết này, trong tập sách của anh cũng có quê quán ở Bình Định nốt! (Thật ra Thanh Trắc Nguyễn Văn quê quán ở Nam Định).

Như tên tựa của thi phẩm, trong tập thơ Muôn Dặm Tình Quê ẩn chứa rất nhiều những nỗi niềm, những trắc ẩn của những người con xa xứ:

Bâng khuâng đón phút giao thừa
Nghe trong ký ức như vừa trẻ thơ
Thời gian cong một giấc mơ
Mà sao tôi cứ dại khờ một tôi.
(Chùm tứ tuyệt không đề – Lê Bá Duy)

Cũng có khi đó là những ký ức buồn về tình yêu, nhưng thật đẹp và cũng thật đáng nhớ:

Bao năm tình lận đận
Một thoáng buồn mông lung
Đêm trầm ngâm khói thuốc
Ly cà phê không đường
(Mắt đẹp – Đức Ánh)

Em riêng mang những khuyết tròn
Tìm trong ảo ảnh màu son mới vừa...
Cuối chiều
nhặt giọt nắng thưa
Thương mình ngơ ngẩn
đêm thừa mình đêm.
(Từ thơ trót dại chữ người – Mai Hường)

Ta về
mượn ánh trăng thêu
phủ lên ngày cũ những keo sơn hờ.
(Dấu chiều – Thanh Long)

Trong tập thơ thỉnh thoảng người đọc lại nhặt được những câu thơ mộc mạc nhưng ý tứ mới lạ, hóm hĩnh:

Lúa non nói chuyện trên trời
Lúa già cúi xuống nói lời đất sâu
Ông già nói chuyện chăn trâu.
(Nói chuyện chăn trâu – Ngọc Toàn)

Cũng là muôn dặm “tình quê”, nhưng có nhiều câu thơ về tình bạn trong tập thơ tuyển, hầu như không có một nét nào quê mùa mà lại rất tài hoa:

Tôi vay anh nửa nụ cười
Lỗ lời để đó mượn người tính sau
Nửa đời bạc trắng như nhau
Giật mình mới thấy mái đầu sương rơi.
(Tặng anh một nửa nụ cười – Quang Thọ)

Trong tập thơ tuyển cũng có rất nhiều tác giả khác ngoài việc cầm bút hiện cũng đang cầm phấn đứng trên bục giảng. Những câu thơ của họ viết về quá khứ lịch sử của dân tộc vừa thân thương, lại cũng vừa da diết:

Bài sử đầu cô dạy có hương vị bánh chưng
Có dưa hấu, có trầu cau
Có từng hồi trống đồng vọng vang dòng sông chín cửa
Có Thánh Gióng ra quân
Có ngựa sắt thần phun ra lửa
Có mẹ tiễn con đi
Có những Hòn Vọng Phu
Mòn mỏi hóa đá
Trông chồng.
(Giờ học sử – Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Cũng có những câu thơ khắc khoải như một tiếng kêu vọng từ thời gian, vọng từ phế tích hoang tàn của những năm tháng oai hùng cổ xưa:

Rợn mình tiếng cú khua sương
Tầng cây cổ thụ vấn vương Chiêm hồn
Tháp trầm tư giữa dại khôn
Cánh Tiên – Phốc Lốc hoàng hôn mặt người.
(Mấy nỗi Đồ Bàn – Xuân Trường)

Trong tuyển tập thơ Muôn Dặm Tình Quê 7 cũng còn có rất nhiều câu thơ hay khác. Tuy nhiên rải rác trong tập thơ thi thoảng cũng vẫn sót lại ít nhiều một vài câu thơ chưa hay lắm. Nguyên do chính có thể vì nhà thơ Lê Đình Hiếu không có đủ thời gian để biên tập hết. Một khuyết điểm khác nữa là những bài thơ tự do trong tuyển tập bị biên tập lại, đóng dồn cục không chừa khoảng trống phân đoạn; cụ thể như các bài thơ tự do: Mảnh chiều nhan sắc, Nói với tiếng chuông, Nỗi buồn cố định (Xuân Trường), Giờ học sử, Hoa xương rồng, Valentine – Ngày không em (Thanh Trắc Nguyễn Văn)... điều này đã gây cảm giác vô cùng khó chịu cho người đọc lẫn tác giả vì bài thơ bị mất đi tính nghệ thuật rất nhiều.

Tuyển tập thơ Muôn Dặm Tình Quê 7 ra đời là sự cố gắng rất nhiều của nhiều người mà cánh chim đầu đàn chính là nhà thơ Lê Đình Hiếu. Xin trân trọng cảm ơn anh Lê Đình Hiếu đã đem đến cho người đọc một tuyển tập thơ hay.

Thanh Trắc Nguyễn Văn




Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)