Bình bài thơ Làng tôi đất bán sạch rồi của Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời bình thơ của Huỳnh Ngọc:
Bán đất của cha ông để lại với mong được đổi đời là một niềm vui và mưu cầu hạnh phúc của rất nhiều người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng qua bài thơ hình như tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn lại muốn nói lên một lời cảnh báo khác với mọi người, với xã hội đương đại.
Mở đầu bài thơ là hai câu thơ thảng thốt và chua xót.:
“Làng tôi đất bán sạch rồi
Còn chăng là lớp bùn bồi ven sông …”
Vâng, đất đã bán sạch rồi. Bán sạch sành sanh… Còn chăng là lớp bùn mới bồi ven sông là chưa bán được. Lớp bùn mới bồi này không bán được vì không có ai mua, nếu có người mua chắc chắn những người nông dân trong làng lại sẽ đổ xô tranh giành nhau để bán nốt thôi. Thật đáng xấu hổ, và cũng thật đau lòng.
“Ông tôi mỗi sáng lưng còng
Đi gieo hạt lệ xuống đồng “thổ cư”
Còn cha ngơ ngác ậm ừ
Nhìn nhà máy cứ từ từ mọc lên
Mẹ buồn thao thức đêm đêm
Hỏi đàn cò trắng sao quên không về ?”
Người ông của nhân vật “tôi” đã làm gì sau khi bán đất? Ông đi “gieo hạt lệ”! Đất đã bán rồi không còn gieo mạ, không còn gieo hạt giống được nữa mà đành phải đi gieo hạt lệ! Vâng, ông đang khóc. Ông khóc cho những cánh đồng đã chết, những cánh đồng trồng trọt đã bị người ta phù phép biến thành “đất thổ cư” cho dễ mua bán. Tác giả đã dùng từ “đồng thổ cư” thật bi hài và cũng thật chính xac. Các vị ơi trên giấy tờ mua bán của các vị là “đất thổ cư” đó, nhưng chính thật nó là những cánh đồng mà người nông dân đã bao đời đổ mồ hôi, đổ nước mắt để cày ải.
Người ông mỗi sáng đi khóc cho những cánh đồng đã từng một thời mang hơi thở của ông nay sắp hóa thành nơi cho người ta tự do xây cất. Ông khóc cho những cánh đồng sắp chết và ông cũng đang tự khóc cho chính bản thân mình. Còn người cha và người mẹ của nhân vật “tôi” thì sao? Người cha “ngơ ngác ậm ừ”… nhìn “nhà máy cứ từ từ mọc lên”. Người cha đã đau buồn đến độ mất cả sự sáng suốt . Người mẹ thì “buồn thao thức đêm đêm”…. Không nghi ngờ gì nữa họ đang mắc chứng trầm cảm nặng nề! Trầm cảm vì nuối tiếc, trầm cảm vì cảm thấy mình có lỗi với tổ tiên. Thật là bi kịch cho cả một gia đình nông dân đã bao đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Họ có tiền nhưng mất tất cả…. Mất luôn cả cánh cò trắng quê hương vì từ ngày nhà máy, chung cư mọc lên đâu còn có đất trống cho những cánh cò hiền lành ngày xưa bay về đậu ?
Phần hai bài thơ nói lên cảnh hiện tại sau khi “làng hóa phố”. Làng hóa phố lợi đâu không thấy chỉ thấy toàn “Quán bia với quán cà phê chen đầy”. Người nông dân có tiền nhưng không biết làm gì nên đành kinh doanh “quán cà phê và quán bia” hoặc trở thành “người uống cà phê và uống bia”! Với tư tưởng tiểu nông của họ thì từ quán cà phê và quán bia đến những “sai phạm nghiêm trọng” khác chỉ cách nhau chừng một sợi tóc.
Bài thơ như những đoạn phim đã đưa chúng ta từ những phân cảnh đau lòng này đến những phân cảnh đau lòng khác. Người nông dân sau khi bán đất đã trở thành những kẻ thật đáng thương:
“Ngả nghiêng kẻ tỉnh người say
Ôm nhau gục nhớ đường cày ngày xưa”
Thật ra không ai tỉnh cũng không ai say! Người say nhưng rất tỉnh, kẻ tỉnh lại như say! Nửa người, nửa ngợm! Họ ôm nhau và cùng gục xuống mặt đường có lẽ bây giờ đã tráng nhựa phẳng láng, để cùng nhớ lại nơi đây ngày trước đã từng là cánh đồng và họ cũng đã từng có những đường cày trên đó. Con trâu,tiếng hò,mùa lúa thơm…. chỉ còn là ký ức, là sự nuối tiếc. Tuy câu thơ chỉ dừng ở đó, nhưng tôi tin chắc rằng họ sẽ khóc. Khóc vì bi kịch của những người nông dân đã nhẹ dạ rủ nhau bán đất làm giàu.
Hai câu kết của bài thơ mở ra một bi kịch lớn hơn :
“Bàng hoàng nắng quái chiều hôm
Làng giờ hóa phố cọng rơm chẳng còn …”
Rơm rạ ngày xưa thì nhiều, bây giờ tìm một cọng rơm cũng không có! Nếu người nông dân cứ bán hết đất như trong bài thơ thì còn ai trồng lúa gạo? Và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chắc có lẽ chúng ta từ một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới sẽ trở thành một nước nhập khẩu gạo để ăn mất! Bi kịch này sẽ đến một ngày không còn xa….
Huỳnh Ngọc
-----------------------------------------------------------------------
Làng tôi đất bán sạch rồi
Làng tôi đất bán sạch rồi
Còn chăng là lớp bùn bồi ven sông …
Ông tôi mỗi sáng lưng còng
Đi gieo hạt lệ xuống đồng “thổ cư”
Còn cha ngơ ngác ậm ừ
Nhìn nhà máy cứ từ từ mọc lên
Mẹ buồn thao thức đêm đêm
Hỏi đàn cò trắng sao quên không về ?
Làng tôi giờ đã hết quê
Quán bia với quán cà phê chen đầy
Ngả nghiêng kẻ tỉnh người say
Ôm nhau gục nhớ đường cày ngày xưa
Con trâu thuở ấy đi bừa
Bao câu hò vọng hẹn mùa lúa thơm …
Bàng hoàng nắng quái chiều hôm
Làng giờ hóa phố cọng rơm chẳng còn …
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Nhận xét
Đăng nhận xét