Cảm xúc sau khi đọc bài thơ Người lái đò của Thanh Trắc Nguyễn Văn
Cảm xúc sau khi đọc bài thơ Người lái đò của Thanh Trắc Nguyễn Văn
Tôi vô tình quen được nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn do một lần tôi và anh được in chung một tuyển tập thơ. Qua đó tôi biết được số điện thoại của anh. Thỉnh thoảng tôi và anh thường trao đổi với nhau qua điện thoại. Gần đây nhất qua lời mời của tôi, tôi và anh đã có cuộc gặp gỡ ở quán cà phê, đi kèm với anh là vợ anh và con gái anh, một bé gái xinh xắn 4 tuổi. Thấy chị còn trẻ đẹp tôi hỏi thử mới biết vợ anh kém anh đến 16 tuổi! Và điều còn thú vị hơn, khi chính vợ anh lại cho biết chị chỉ là người vợ sau, còn người vợ đầu anh đã chia tay kém anh đến 21 tuổi và rất xinh đẹp! Tôi hỏi anh có bí quyết gì không? Anh Văn chỉ cười cười nói cả 2 người vợ đều là những người yêu thơ của anh mà thôi. Tôi vô cùng khâm phục hóa ra làm thơ có lợi thật, vừa có thơ hay vừa có nhiều người đẹp ái mộ theo đuổi.
Gặp anh ở quán, tôi thấy anh Văn đúng là một nhà giáo chân chính. Anh không rượu chè, không thuốc lá, nói năng từ tốn chững chạc, anh chỉ gọi một ly cà phê sữa đá và uống một cách có thưởng thức từng vị ngọt đắng. Anh Văn cho biết anh có cái tật làm anh phải khổ sở và trăn trở rất nhiều là anh luôn ham thích cái đẹp vì vậy anh mới làm thơ. Tôi còn nhớ câu nói của anh về quan điểm sáng tác của anh: “Sống thật và viết thật”.
Đọc bài thơ “Huyền thoại người lái đò” của anh tôi rất xúc động. Tuy anh Văn chưa đến tuổi để về hưu, và hình bóng “người lái đò” trong bài thơ không phải là hình bóng của anh nhưng tôi tin anh Văn và nhân vật bài thơ anh viết có cùng chung một nhịp đập trái tim, có cùng chung một cảm nghĩ. Từng câu thơ của anh đau và trăn trở, cái đau chung của các nhà giáo có trách nhiệm trước sự nhiễu nhương của xã hội hiện nay.
Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi cái điệp khúc của các câu thơ: “Lửa ở đâu?/ Lửa ở đâu?” ở cuối mỗi đoạn thơ. Đó chính là tiếng kêu khắc khoải, đau đến xé lòng của “người lái đò” và cũng là tiếng kêu của anh Văn, tác giả bài thơ. Người ta thường nói cái xấu hoành hành khi mọi người vô cảm thờ ơ, sống theo kiểu mac-kê-no (mặc kệ nó). Đọc hết bài thơ tôi thấy trong bài thơ sao mà “người lái đò” đơn độc đến thế. Anh Văn dùng từ rất khéo, rất chọn lọc:
“Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!”
Các quan chức giáo dục cũng quan tâm đó nhưng họ lại đứng quá xa, quá cao đối với các nhà giáo. Họ đứng ở đâu? Xin thưa họ “đứng trên gò cao”. Họ làm gì? Xin thưa họ chỉ biết “Thét gào/Hô hào/Hò hét”. Thật đúng là quan liêu hết chỗ nói. Càng đọc đi đọc lại đoạn thơ trên tôi càng cảm thương cho “người lái đò” và những đồng nghiệp của ông.
Đoạn cuối bài thơ bằng nghệ thuật ẩn dụ cao, anh Văn đã viết những câu thơ cực kỳ gợi cảm khiến người đọc phải trăn trở xúc động:
“Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...”
Ta không vào địa ngục thì ai vào? Thế là “người lái đò” lên đường đi tìm lửa cho học trò. Một hành trình tuy đơn độc nhưng đầy quả cảm của một nhà giáo có trách nhiệm. Tôi rất thích câu thơ cuối của anh Văn:
“Có em vớt được những mảnh vở của thuyền
Khóc…”
Câu thơ cứ bám theo tâm trí của mãi sau khi tôi không còn đọc bài thơ nữa. “Người lái đò” ơi tuy ông đã đi xa nhưng ông sẽ không có gì nuối tiếc vì khóc cho ông chính là những em học trò ưu tú nhất của ông. Những em học trò tuy xa cách mà còn biết về thăm lại thầy, biết được việc thầy ra đi là đi tìm lửa, biết thầy đang gặp khó khăn là vượt biển lớn và biết thầy đã mất khi vớt được mảnh vỡ của thuyền.
Ông tận tụy vì học sinh thân yêu và hiểu cho ông cũng chính là các học trò của ông. Ông thật hạnh phúc.
Cảm ơn anh Văn đã viết một bài thơ hay cho các nhà giáo, tôi biết mình chỉ là một người bạn mới tập làm thơ của anh mà thôi. Chúc anh có nhiều sức khỏe để sáng tác thêm nhiều bài thơ hay nữa
Nguyễn Tú
(Nguồn: trang wev văn học Đất Đứng tháng 12 năm 2012)
--------------------------------------------------------------
Huyền thoại người lái đò
Sáu mươi năm tuổi đời
Thầy về hưu với những giấc mơ bạc trắng
Con đò ngang rệu rã
Cùng bao lớp học trò đã lũ lượt qua sông
Có những ánh mắt thân thương
Cũng có những tiếng cười bất nghĩa
Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ.
Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!
Nhưng lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Lấp ló quanh trường
Hết bão đen rồi lại nước mắt
Lũ sát thủ tuổi teen
Những băng cướp áo trắng
Clip sex học trò
Bạo lực học đường...
Ngày ngày vây quanh
Ngày ngày gầm gừ
Ngày ngày rình rập
Thầy từng đêm vò đầu thức trắng
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Người lớn nói “có”:
- Dù có tiêu cực
Dù có ném “phao”
Nhưng kết quả thi vẫn thành công tốt đẹp!
(nói "có" có nghĩa là "không"?)
Người lớn nói “không”:
- Hãy nói không với bệnh thành tích
Hãy nói không với gian lận thi cử
Nhưng thi tốt nghiệp vẫn không được rớt nhiều!
(nói "không" cũng là "có"?)
Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười
Học trò nhìn nhau ngơ ngác
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...
2012
(Trang web văn học Hội Nhà Văn tp.HCM ngày 20.11.2012)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Nhận xét
Đăng nhận xét