Bình bài thơ Huyền thoại người lái đò của Thanh Trắc Nguyễn Văn






Bình bài thơ Huyền thoại người lái đò của Thanh Trắc Nguyễn Văn

Xuân đã về, trời bớt đi cái lạnh tê tái của những ngày đông thay vào đó là sự dịu mát trong không khí hơi se lạnh của từng cơn gió nhẹ thoáng qua. Xuân đến thiết tha, êm đềm, đầy xúc cảm!

Và ngoài kia, những cơn mưa vẫn lác đác rơi trong không khí se lạnh, từng hạt mưa bay trong nắng chiều mang vẻ đẹp óng ánh diệu kì, trong lòng mỗi chúng ta lại trỗi dậy nỗi niềm của tuổi học trò với một thoáng ngẩn ngơ như sự hoài niệm của một dòng sông quay đầu tìm về nguồn suối với cõi lòng tri ân da diết. Và tôi cũng vậy!


Bao nhiêu cảm xúc trông tôi chợt ùa về khi đọc xong tác phẩm “Huyền thoại người lái đò” của tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn. Lòng tôi bồi hồi xúc động khó tả quá, Người Thầy – hai tiếng thân thương cứ ấp ủ mãi trong lòng chỉ chực chờ trào tuôn!

“Sáu mươi năm tuổi đời
Thầy về hưu với những giấc mơ bạc trắng"

Người thầy trong tác phẩm cứ hiện lên cao vời tình thương và luôn hoài trăn trở với “Giấc mơ bạc trắng” khi đã về hưu; “giấc mơ bạc trắng” hay tóc thầy bạc trắng, có lẽ là cả hai. Bởi biết bao thế hệ học trò đi qua, mái tóc thầy cũng dần bạc theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết với phấn trắng bảng đen chắp cho từng thế hệ học trò dòng tri thức thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗi người thầy. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy như những người lái đò cần mẫn chở che và đưa những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ đến được những bến bờ mới lạ.


Cho tôi được gọi nhân vật chính trong bài thơ chỉ một tiếng gọi kính mến và quý trọng nhất bằng một tiếng Thầy mà thôi.

Mặc cho cuộc sống bôn ba, thầy vẫn một đời chèo đò đưa từng lớp học sinh qua bến bờ tri thức. Ngày lại ngày, thầy cặm cụi nắm vững tay chèo, chỉ sợ học sinh của mình lạc lối trên đường đời có lắm bão táp, chông gai.


Khách qua đến bến, dù nhớ hay quên người lái đò, nhưng người lái đò không quên khách, luôn dõi theo từng bước đi của mỗi học sinh để thầm lặng chia vui với những thành tựu hay sẻ buồn với những gian khó. Đưa đò đâu có kể công.

“Cùng bao lớp học trò đã lũ lượt qua sông
Có những ánh mắt thân thương
Cũng có những tiếng cười bất nghĩa”

dẫu vậy thầy vẫn âm thầm đối mặt và chấp nhận tất cả.

Giờ này phải chăng người đưa đò đã quá mỏi mệt và con thuyền cũng chẳng thiết trôi nữa bởi “con đò ngang” bây chừ đã “rệu rã” rồi. Nhưng thầy vẫn hoài trăn trở, vẫn hoài thao thức từng đêm vì “Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa” mà thay vào đó là “chập chờn sóng dữ” lý do bởi vì đâu? Ở đây, tác giả ví rất hay “dòng sông chữ” cứ chảy trôi, chảy trôi êm đềm theo năm tháng chẳng thể nào vơi nhưng mặt sông chữ lặng tờ ấy giờ đây đang “chập chờn sóng dữ”, phải chăng tri thức không còn đủ để cống hiến cho đời.? Nhưng không, tri thức vẫn mãi còn đó, người thầy vẫn cao vợi ở đó mà từng lớp học trò thì không còn như xưa nữa rồi.

Tình thương của thầy không bao giờ là đủ, chưa bao giờ thầy cho phép mình nghỉ dù là trong khoảnh khắc; thầy về hưu nhưng thầy vẫn dõi theo từng bước chân học trò bé nhỏ; thầy vui với những thành công của học trò để rồi niềm vui chưa kịp trọn vẹn thì thầy lại trăn trở, lại nghĩ suy và lại thao thức từng đêm dài bởi những mặt trái đạo đức của một học trò cũng như những gì đang xảy ra với nền giáo dục của chúng ta vậy.

“Lũ sát thủ tuổi teen
Những băng cướp áo trắng
Clip sex học trò
Bạo lực học đường..."

Ở đây, tôi không dám bàn nhiều về vấn nạn học đường hay những tiêu cực của nền giáo dục Việt Nam mà tôi chỉ bàn đến hình ảnh người thầy trong tác phẩm mà thôi.

Cả đời, thầy là người giữ lửa và truyền lửa cho học sinh; chính thầy là những người đã khơi dậy trong lòng biết bao học sinh niềm tin vào tương lai phía trước để họ đủ can đảm bước đi trên con đường đời đầy chông gai, trắc trở; chính thầy đã gieo vào tim lũ học trò ngọn lửa của niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Nhưng giờ thì “Lửa ở đâu? / Lửa ở đâu?” câu hỏi như một sự chất vấn cho toàn ngành giáo dục nước nhà. Phải chăng là ngọn lửa của nhiệt huyết, của niềm tin, của hy vọng vốn đã thường trực trong tim thầy đang còn đó mà ngọn lửa của giáo dục thì dần lụi tàn?

"Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc..."

Để rồi cuối bài thơ, tác giả lại dung những ngôn từ hết sức nhẹ nhàng, sâu lắng cứ đi thẳng vào lòng chúng ta. Có lẽ ngày “học trò về thăm bến sông xưa” ấy là vào những mùa tri ân 20.11 tràn ngập những cơn mưa, những cơn mưa rào nhẹ nhàng thoáng qua cũng đủ làm cho ai đó có những hoài niệm sâu sắc về tình thầy trò ấm áp vẹn nguyên.

Đoạn thơ cuối theo riêng tôi cảm nhận là đoạn thơ đáng để suy ngẫm nhất trong bài thơ hay; hình dáng thầy không còn trên bụt giảng với phấn trắng bảng đen với những ánh mắt ngây thơ của học trò mà thầy đã đi, “đi tìm lửa ở phương xa” để quay về truyền lửa lại cho học trò chăng?

Tiếng khóc ở cuối bài thơ, phải chăng là tiếng khóc của những dòng cảm xúc về thầy vẫn không hề thay đổi, vẫn vẹn nguyên tươi sáng, tràn đầy yêu thương. Hay tiếng khóc của thầy - tác giả - về những vấn nạn học đường hiện nay???


Trần Thị Trúc Hà

(Nguồn: trang wev văn học Đất Đứng tháng 1 năm 2013)  

--------------------------------------------------------------

Huyền thoại người lái đò 

Sáu mươi năm tuổi đời
Thầy về hưu với những giấc mơ bạc trắng
Con đò ngang rệu rã
Cùng bao lớp học trò đã lũ lượt qua sông
Có những ánh mắt thân thương
Cũng có những tiếng cười bất nghĩa
Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ.


Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!
Nhưng lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Lấp ló quanh trường
Hết bão đen rồi lại nước mắt
Lũ sát thủ tuổi teen
Những băng cướp áo trắng
Clip sex học trò
Bạo lực học đường...
Ngày ngày vây quanh
Ngày ngày gầm gừ
Ngày ngày rình rập
Thầy từng đêm vò đầu thức trắng
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Người lớn nói “có”:
- Dù có tiêu cực
Dù có ném “phao”
Nhưng kết quả thi vẫn thành công tốt đẹp!
(nói "có" có nghĩa là "không"?)
Người lớn nói “không”:
- Hãy nói không với bệnh thành tích
Hãy nói không với gian lận thi cử
Nhưng thi tốt nghiệp vẫn không được rớt nhiều!
(nói "không" cũng là "có"?)
Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười
Học trò nhìn nhau ngơ ngác
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...


2012
(Đã đăng trên trang web văn học Hội Nhà Văn tp.HCM ngày 20.11.2012)
 

Thanh Trắc Nguyễn Văn




Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)