Du lịch Côn Đảo (phần ba)
Nữ tù nhân trong Chuồng Cọp Pháp bị đổ vôi bột lên người, lên đầu tóc |
Du lịch Côn Đảo (phần ba) - Chuồng Cọp Pháp, Chuồng Cọp Mỹ và Chuồng Bò
Chuồng Cọp Pháp được thực dân Pháp và bọn tay sai người Việt bí mật xây dựng từ năm 1940. Chuồng Cọp Pháp có nhiều phòng biệt giam, là nơi dùng để giết lần mòn ý chí và sức khỏe của những người tù. Người tù bị nhốt dưới lớp song sắt kiên cố, căn phòng thì chật hẹp. Bên trên có bọn cai ngục luôn đi lại quấy rối. Chúng rắc vôi bột xuống thân thể người tù rồi dội tiếp nước bẩn làm cho người tù bị rụng tóc, lở loét toàn thân, da bị hủy hoại hở từng mảng thịt, có nhiều người tù do đuối sức không kịp che mặt nên bị mù cả mắt (vôi bột gặp nước sẽ sôi nóng lên làm người tù bị bỏng). Theo người hướng dẫn viên khu Nhà tù Côn Đảo cho biết, có rất nhiều tù nhân do sức khỏe yếu vì tù đày, vì lao dịch bị đưa vào Chuồng Cọp chưa được một ngày thì chết.
Tổng diện tích Chuồng Cọp Pháp là 5.475 m2. Diện tích phòng giam là 1.408 m2. Có tất cả 120 phòng biệt giam, được chia làm hai khu, mỗi khu có 60 phòng biệt giam. Tại một căn phòng biệt giam chúng tôi vô cùng kinh hoàng khi thấy có những bức tượng bằng sáp dựng lại cảnh một nữ tù nhân tự moi ruột ném vào mặt tên lính cai ngục! Theo lời người hướng dẫn viên của Khu Nhà tù Côn Đảo, nữ tù bất khuất đó tên là chị Bé. Do thường xuyên bị đổ vôi bột lên người, rồi bị dội nước bẩn, chị và những người bạn nữ tù khác vô cùng khổ sở. Để phản kháng và tỏ rõ sự khinh bỉ đối với bọn đầu trâu mặt ngựa, chị Bé đã dùng nắp lon sữa bò tự rạch bụng, xé ruột rồi ném vào mặt kẻ thù!
Chuồng Cọp Pháp còn có 60 phòng tắm nắng. Những căn phòng tắm nắng đều không có mái che dùng để đem tù nhân ra phơi mưa, phơi nắng rồi đánh đập thật dã man. Có nhiều người tù bị các vết thương hành hạ đau nhức đến nổi không bận được quần áo đành phải chịu trần truồng trong những căn phòng tắm nắng này. Thật cảm thương cho những tù nhân vừa bị tra khảo thật tàn độc vừa phải chịu cành nhục hình.
Để ngụy trang cho Chuồng Cọp Pháp, chính quyền Sài Gòn đã kín đáo dùng Trại giam Phú Tường để che chắn với hai lối ra vào riêng biệt khiến các nạn nhân hoàn toàn bị mất phương hướng. Nhiều tù nhân dù rất muốn tố cáo trước công luận thế giới về loại địa ngục trần gian có một không hai này, nhưng hoàn toàn không thể vì không có bằng chứng xác định được Chuồng Cọp Pháp là ở địa điểm nào.
Đầu năm 1970, trước áp lực của Hội Sinh Viên Sài Gòn luôn tổ chức biểu tình đòi chính quyền Sài Gòn phải thả những sinh viên đang bị giam giữ ngoài Côn Đảo. Chính quyền Sài Gòn bắt buộc phải thả năm sinh viên từng đã bị giam giữ ở Chuồng Cọp Pháp là Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Thanh Tòng, Trần Văn Long, Nguyễn Tuấn Kiệt và Nguyễn Minh Trí. Nhờ sự thông minh mưu trí và cũng nhờ đã có chủ ý tìm hiểu từ trước, các sinh viên này đã tìm được những dấu hiệu chứng tỏ Chuồng Cọp Pháp nằm sâu trong Trại giam Phú Tường.
Về Sài Gòn năm sinh viên nói trên đã cung cấp cho nhà báo Mỹ Don Luce, toàn bộ bản cáo trạng tội ác của Nhà tù Côn Đảo. Bài viết được đăng ở tạp chí Life của Mỹ làm cả thế giới phải kinh hoàng, làm chấn động lương tri của những người Mỹ chân chính. Đoàn nghị sĩ Mỹ, dẫn đầu là ông Tom Harkin, trong đó có cả nhà báo Don Luve, đã đến ngay Côn Đảo đề nghị chúa đảo Nguyễn Văn Vệ cho đoàn nghị sĩ Mỹ được đi tham quan các nhà tù. Trước khi đến Côn Đảo, ông Tom Harkin đã thuộc lòng lời chỉ dẫn của sinh viên Cao Nguyên Lợi: “Ngay khi bước qua cánh cổng thứ nhất của trại giam, ông đừng bước tiếp qua cánh cổng thứ hai, vì sau cánh cổng thứ hai chỉ là một nhà tù bình thường. Ông hãy đi theo lối rẽ và tìm bức tường bên vườn rau xanh có một cánh cổng nhỏ”. Với sự quyết tâm tìm cho được tội ác của ông Tom Harkin và đoàn nghị sĩ Mỹ, với sự hiểu biết sâu rộng về Việt Nam của nhà báo cũng là chuyên gia cây trồng Don Luce, cuối cùng họ đã khám phá ra Chuồng Cọp Pháp dù chúa đảo Nguyễn Văn Vệ rất gian manh và quỉ quyệt luôn tìm cách lẩn tránh.
Sau khi trở về Mỹ, Tom Harkin và đoàn Nghị sĩ Mỹ đã kịch liệt tố cáo sự tồn tại của cái gọi là Chuồng Cọp, đồng thời họ cũng cung cấp thêm nhiều bức ảnh và tư liệu cho tạp chí Life số ra ngày 17-7-1970. Dư luận thế giới cũng như ở Việt Nam đã vô cùng căm phẩn lên án, khiến chính quyền Sài Gòn phải ra lệnh phá bỏ Chuồng Cọp Pháp ở Côn Đảo, riêng tên chúa đảo Nguyễn Văn Vệ bị cách chức vì làm lộ “bí mật quốc gia”. Cũng nói thêm sau đó đến năm 1973 tên Nguyễn Văn Vệ lại được phục chức chúa đảo, có lẽ vì hắn quá tàn ác nên không một tên ác ôn nào có thể xứng đáng thay thế hắn làm chúa đảo được!
Năm 1971, người Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng Chuồng Cọp Mỹ ở trại Phú Bình để thay thế cho Chuồng Cọp Pháp đã bị phá bỏ. Tổng diện tích Chuồng Cọp Mỹ là 25.678m2. Diện tích phòng giam 3.800m2. Bao gồm 384 phòng biệt giam. Các phòng biệt giam được chia làm 4 khu: AB-CD-EF-GH, mỗi khu có 2 dãy và mỗi dãy có 48 phòng. Đây là các phòng giam tập thể và các nhóm đặc biệt bằng bê tông, có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp… Bị hành hạ khổ sở, người tù còn bị cùm chân rất đau đớn. Các nhà tù ở Côn Đảo đều có một hệ thống cùm chân người tù hàng loạt, tại chỗ, liên hoàn bằng sắt có rãnh xoắn, người tù chỉ cần quậy cựa chân là có thể sứt da, chảy máu... Theo lời kể của các tù nhân, loại Chuồng Cọp Mỹ này cũng rất thâm hiểm và độc ác. Nó vắt kiệt sức lực của người tù. Trong Chuồng Cọp Mỹ ngày thì nóng, đêm thì lạnh, cực kỳ ngột ngạt khó thở. Có tù nhân đã từ lâu phải ăn gạo mốc, khô hẩm khi được ra ngoài chỉ bứt một lá cỏ để nhai vì quá thèm rau xanh cũng bị bọn cai ngục đánh một trận thừa sống thiếu chết.
Chuồng Cọp Mỹ cũng là nơi nổi dậy đầu tiên của tù chính trị vào lúc 12 giờ đêm ngày 30 tháng 4, rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975 tại khu GH. Các tù nhân đã chiếm được nhà tù Côn Đảo, chấm dứt hoạt động của nhà tù này sau 113 năm dài đầy tăm tối, máu lệ những cũng thật bi hùng.
Rời Chuồng Cọp Mỹ, chúng tôi theo cô hướng dẫn viên du lịch Hồng Nhi đến Chuồng Bò, một tội ác rợn người khác của nơi được gọi là "địa ngục trần gian". Năm 1930, Thực dân Pháp đã biến chuồng nuôi bò thành một trại giam các tù nhân nữ. Hầm phân bò sâu 3m, chia làm 2 ngăn có hệ thống cống ngầm từ chuồng nuôi bò dẫn sang. Thực dân Pháp sử dụng hầm phân bò này để ngâm người tù xuống đó tra tấn và hành hạ.
Sau khi chuồng Cọp bị phát hiện vào năm 1970, người Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra lệnh gấp rút sửa chửa lại Chuồng Bò thành nơi giam giữ mới. Chuồng Bò được xây dựng lại gồm 3 khu: A, B, C. Tổng cộng có 33 phòng biệt giam và được gọi là trại An Ninh Chuồng Bò.
Đây là những số liệu mà tôi đã ghi chép được:
Tổng diện tích: 4.410m2
Diện tích phòng giam: 547m2
Chuồng trại: 270m2
Khoảng trống: 3.293m2
Bao gồm: 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nhốt bò, một hầm chứa phân bò.
Từ năm 1973, Chuồng Bò là văn phòng của tiểu Ban điều tra khai thác thuộc Ban chuyên môn. Những người tù bị tình nghi trong hoạt động đấu tranh bị đưa về đây để khai thác. Ban chuyên môn áp dụng nhiều hình thức điều tra tàn bạo như đánh đập bằng củi đòn, nẹp 2 thanh tre vào ống chân… Kiểu tra khảo dã man này đã làm nhiều tù nhân phải bị bại liệt, tàn phế suốt đời.
Cũng theo lời cô hướng dẫn viên du lịch kể lại: Năm 1975, khi giải phóng Côn Đảo người dân ở đây nghe có tiếng kêu cứu dưới hầm phân bò. Họ đi tìm và phát hiện ra có một người đang bị ngâm ở dưới hầm phân bò có chiều sâu 3m. Khi được cứu người tù đó do đã bị dòi ăn đến tận xương, trên đường đưa vào đất liền cấp cứu thì chết vì kiệt sức. Đây là cách tra tấn rùng rợn được phát hiện sau cùng.
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Trại Phú Bình - Chuồng Cọp Mỹ |
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết (gồm 5 phần) có sử dụng rất nhiều tư liệu từ nhiều nguồn, trong đó có rất nhiều tư liệu lấy từ Nhà Bảo Tàng di tích lịch sử Côn Đảo, Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo
Nhận xét
Đăng nhận xét