Bài thơ Con thạch sùng gãy lưỡi, một lời tiếc nuối không thể nói ra






















Bài thơ Con thạch sùng gãy lưỡi, một lời tiếc nuối không thể nói ra
 
Một dịp hữu duyên, thượng tuần tháng 6, tôi nhận được tập thơ “Huyền thoại người lái đò” của tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn. Lần giở từng trang thơ, tôi nhanh chóng bị cuốn hút vào những vần thơ, tuy cùng tác giả nhưng nhiều bài thơ lại mang nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, nhiều thi hứng khác nhau. Và “Con thạch sùng gãy lưỡi” là một trong những bài thơ khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất.

Ngắn gọn, súc tích, ngay từ những vần thơ đầu tiên, tôi đã “nhìn thấy” hoàn cảnh sáng tác bài thơ – “ngày gặp lại em”
một mối tình duyên cũ, và hình ảnh “con thạch sùng gãy lưỡi” ám ảnh tôi xuyên suốt một dòng thơ – một dòng cảm nghĩ.

Trở về với dòng kí ức xưa, tác giả hình dung lại cô bạn ngày nào. Một “tình bạn vô tâm”. Tôi tự hỏi mình về ý nghĩa hai chữ “vô tâm” đó. Ai vô tâm? Là nhà thơ giả vờ vô tâm với tình cảm của mình, hay cô bạn ngày xưa vô tâm với những thứ ngoài tình bạn? Hay cả hai cùng vô tâm để duy trì một tình bạn, giữa những câu chuyện tầm phào tán dóc rất đỗi bình thường, như những người bạn bình thường thực sự?

1. Định mệnh chia đôi con đường tình duyên thầm trộm, điều đó báo hiệu từ rất sớm.

 
“Thuở anh thích nhìn sân trường đại học trong những bài thơ viết dở
Thuở em thích ngắm những dòng xe qua ly kem nhiều màu.”

Con đường tình cảm hai người đã ngầm khác biệt từ khi còn mới chớm nở. “Anh” trầm mặc suy tư với tâm hồn nghệ sĩ, với con mắt nghệ sĩ, với một tình cảm dở dang chỉ biết bày tỏ qua những dòng thơ. “Em” tinh nghịch hồn nhiên, nhìn một cuộc sống tươi đẹp, nhiều màu, với phố xá tấp nập.

“Anh” tiếp tục nuôi dưỡng tình cảm của mình trong những sự tình cờ, vô tình hẹn hò, đến nhanh, đi nhanh, vội vã. “Anh” nuôi dưỡng tình cảm của mình trong những câu bông đùa, những câu nói chê bai vui vẻ với con nhỏ gầy gò, lem luốc và vô duyên.

Một cung bậc thường thấy ở những mối tình chớm nở. Nhưng rồi định mệnh đã thực sự chia cách hai nhân vật của bài thơ.

“Ngày em lấy chồng
Lọ Lem bỗng thành Búp bê xinh...
Bỗng biến thành Công chúa...
Bỗng hiện thân thành Hoa hậu...
Anh cứ ngẩn ngơ như vừa đánh mất một viên ngọc quý trong đời”

2. Cuộc sống thật trớ trêu. Và tự bản thân lòng người cũng trớ trêu với chính mình.

“Em” đi lấy chồng, “Anh” nhận ra cô Lọ Lem bên cạnh anh ngày nào bỗng trở thành búp bê xinh, bỗng trở thành công chúa. Là thực sự “em” đổi thay hay cách nhìn “anh” đã khác? Hay vì bản chất con người mãi đến khi mất đi “viên ngọc quý trong đời” rồi mới nhìn thấy hết giá trị của nó?

Tàn bữa tiệc cưới có lẽ chỉ một người không vui. Người đó – anh – trở về trường cũ, nơi chứng kiến một cuộc tình thầm vụng vỡ. Con thạch sùng trên tường chạy đuổi theo, nhưng nó không phải con thạch sùng bình thường. Nó câm. Con thạch sùng câm gãy lưỡi!

Dù có từng đọc qua Sự tích con thạch sùng hay không, nhưng hẳn là ai cũng liên tưởng được tiếng tắc lưỡi ấy thể hiện sự tiếc nuối cùng cực. Vâng! Tiếc nuối đấy! Nhưng chẳng nói nên lời!

Kết thúc những tháng ngày của một mối tình thầm trộm dang dở, “anh” trở về với hoài niệm nhưng đến một lời tiếc nuối cũng không dám nói. Anh vụng về biện hộ chuyện con thạch sùng câm gãy lưỡi, như một lời nguyền cho chính bản thân, như một lý do tất yếu mà anh không - được - quyền tiếc nuối về chuyện tình của mình. Anh yêu thầm lặng. Anh trải qua những kỉ niệm thầm lặng. Và rồi từ ngày cô bạn ngày xưa đi lấy chồng, anh vẫn tiếp tục chôn giấu nỗi niềm của mình trong thầm lặng.

3. Một lời tiếc nuối không thể nói!

Thời gian vốn đã là thứ vũ khí hủy diệt tàn bạo với mọi thứ, nhưng vẫn “bó tay” với anh chàng si tình trầm lặng.

Mười năm. Lại thêm mười năm ấp ủ một một mối tình, à không, có lẽ nên gọi là kỷ niệm – kỷ niệm thầm lặng. Mười năm ấy thêm chia cách hai con đường khác biệt của hai trái tim không chung một mối tình.

Họ vẫn khác biệt với nhau. Một người đã quên. Một người còn nhớ. Một người yên ấm với gia đình chồng con. Một người tủi phận với những bản trường ca, với những trang thơ đã gắn bó từ thời còn đi học.

Một mối tình kết thúc, nhưng vẫn còn một cuộc đời dài tiếp tục. Ở đâu đó tôi đã nghe người ta hát “Cuộc đời này dẫu ngắn, nỗi nhớ quá dài”. Có lẽ, với bản thân chàng trai không may mắn trong bài thơ này, cuộc đời dài phía trước vẫn ngắn hơn nỗi dằn vặt tình duyên. Nỗi dằn vặt đó vẫn sẽ tiếp tục, với những con chữ mộng du – gần như không chủ đích, như là một cách cuối cùng để tìm lại kí ức dĩ vàng.

Và… anh vẫn tiếp tục trung thành với sự thầm lặng của mình. Vẫn con thạch sùng xưa – vẫn chính tâm hồn anh ngày xưa không thay đổi, vẫn là một lời tiếc nuối không thể nói ra!

(Bài viết đã đăng trên trang web văn học Văn Đàn Việt ngày 14.6.2013)

                                                                                                          
Huỳnh Phi Sang










































-------------------------------------------------------------------------------

Con thạch sùng gãy lưỡi
                 Viết tặng M.T.
Ngày gặp lại em
Anh lại nhớ con thạch sùng xưa gãy lưỡi!
           
Một thời tình bạn vô tâm
Một thời toàn kể chuyện tầm phào
Thuở anh thích nhìn sân trường đại học trong những bài thơ viết dở
Thuở em thích ngắm những dòng xe qua ly kem nhiều màu
Mình vô tình hẹn rồi vội vã đi
Anh vẫn thường chê lén em con nhỏ Lọ Lem gầy gò lép kẹp!
Xấu như ma lem
Vô duyên như ma xó!
           
Ngày em lấy chồng
Lọ Lem bỗng thành Búp bê xinh...
Bỗng biến thành Công chúa...
Bỗng hiện thân thành Hoa hậu...
Anh cứ ngẩn ngơ như vừa đánh mất một viên ngọc quí trong đời
Tàn tiệc cưới anh về thăm lại trường xưa
Có một con thạch sùng trên tường chạy đuổi theo
Nó bị câm
Vì vừa gãy mất lưỡi!
           
Mười năm
Mười năm em đã lãng quên
Mười năm anh vẫn mãi nhớ
Ngày gặp lại em
Nàng thiếu phụ hai con
Nàng Hoàng hậu Tấm trong màu áo kiêu sa
Luôn mỉm cười
Trong lầu đài hạnh phúc...
Anh chợt hiểu ra mình chỉ là một tên lính gác cổng khù khờ xa lạ.

Rồi anh đi
Mê mải với những bản trường ca lẻ bóng
Với những trang thơ toàn màu sa mạc cô đơn
Với những con chữ mộng du về một dĩ vãng xa
Trên cát
Có chú thạch sùng chạy theo
Vẫn là nó
Con thạch sùng của ngày xưa
Con thạch sùng câm gãy lưỡi!

2012
(Bài thơ đã đăng trên trang web văn học Hội Nhà Văn tpHCM ngày 6.1.2013) 

Thanh Trắc Nguyễn Văn




Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)