Bình bài thơ Lục bát cà phê
Bình bài thơ Lục bát cà phê
Uống cà phê khác với uống rượu. Uống rượu dễ làm cho cảm xúc con người thăng hoa để có thể “xuất thần” được những câu thơ hay! Còn uống cà phê thì khác. Uống cà phê trầm lắng hơn, để cảm nhận cuộc sống qua lăng kính thời gian một cách chậm rãi hơn.
Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn uống cà phê một mình nhưng không đơn độc:
“Cà phê
Ai bảo cô đơn?
Nửa đêm trăng tắm chập chờn Hằng Nga.”
Chỉ có nhà thơ mới thưởng thức được nét đẹp của trăng, và độc đáo hơn nữa là “trăng tắm”! Nhà thơ hẳn đang có tâm sự. Tâm sự không biết giải bày với ai nên mới ngồi một mình. Trăng là tượng trưng cho cái đẹp. “Trăng tắm” là cái đẹp được nâng cao lên một bậc. Nhìn “Hằng Nga tắm” để thưởng thức nét đẹp của “Hằng Nga” chỉ có được ở những người có tâm hồn nghệ sĩ. Đọc bài thơ mới biết uống cà phê quả là cả một nghệ thuật!
“Cà phê
Lời bỗng thật thà
Câu thơ chợt viết đúng là yêu em!”
Uống cà phê đôi lúc để chiêm nghiệm lại cuộc sống. Qua những câu thơ trên, người đọc hiểu nhà thơ đã có những lúc nào đó trong cuộc đời nhiều lần phán đoán sai chuyện tình cảm. Chỉ có khi ngồi im lặng uống cà phê, nhà thơ mới hiểu được cảm xúc thật sự của trái tim mình: “Câu thơ chợt viết đúng là yêu em!”.
“Cà phê
Sóng sánh trời quên
Khuấy tan rồi lại hiện tên một người.”
Khi đã tự khẳng định “đúng là yêu em”, nhà thơ mới biết là mình đã tự đánh mất một cuộc tình rất đẹp. Thanh Trắc Nguyễn Văn chìm đắm vào nỗi đau nuối tiếc. Nhà thơ muốn “quên” nên đã “khuấy tan” ly cà phê. Buồn thay, “khuấy tan rồi lại hiện tên một người”. Tác giả muốn quên mà có quên được đâu! Tôi rất thích câu thơ: “Khuấy tan rồi lại hiện tên một người”; vừa độc đáo, vừa sáng tạo lại vừa giàu hình ảnh.
“Cà phê
Thắm bóng hồng tươi
Ngẩn ngơ uống cạn nụ cười em trao.”
Lại thêm một câu thơ thật hay: “Ngẩn ngơ uống cạn nụ cười em trao”. Nàng đã đến và còn xinh đẹp nữa (thắm bóng hồng tươi), và còn “cười” nữa! Âm điệu bài thơ như nhộn nhịp hẳn lên, người đọc ít nhiều cũng cảm nhận được niềm vui theo niềm vui của tác giả. Thanh Trắc Nguyễn Văn đã rất khéo léo khi dùng các từ “thắm” và “hồng tươi” để diễn tả nét đẹp tràn đầy xuân sắc, rực rỡ của giai nhân.
“Cà phê
Người gặp chẳng chào
Đắng thơm ngọt nhạt lời nào cho nhau?”
Buồn thay cho nhà thơ, nàng cười là cười với “ai kia” chứ không phải cười với nhà thơ! Gặp nhà thơ nàng còn ngó lơ “chẳng thèm chào”, chứ nói chi là cười! Nhà thơ hụt hẫng đến độ uống một ly cà phê mà phải nếm đủ các vị “đắng thơm ngọt nhạt” của cà phê. Câu thơ tuy buồn nhưng cũng thật thú vị vì nghệ thuật chuyển ý “lời nào cho nhau”, thể hiện tính sáng tạo trong bút pháp của nhà thơ.
“Cà phê
Vơi nửa ngụm sầu
Thời gian cong lại bạc màu khói bay.”
Đau buồn nhưng không phẫn chí. Thời gian là liều thuốc màu nhiệm giúp chúng ta có thể quên tất cả những gì không vui trong cuộc đời. Uống cà phê lúc này đối với tác giả lại là sự giải thoát: “Cà phê / Vơi nửa ngụm sầu”. Câu thơ cuối cùng là một câu thơ cực hay gợi cho ta hình ảnh một ly cà phê bốc khói. Trên ly cà phê có một sợi khói, hình ảnh của thời gian, cong lại và từ từ bạc dần, dần dần tan biến đi. Hãy để những nỗi buồn lụi tàn theo thời gian trên ly cà phê. Cảm ơn nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn đã gởi đến cho người đọc một bài thơ thật hay và cũng thật nhiều cảm xúc.
(Bài đã đăng trên trang web văn hóa nghệ thuật Đất Đứng ngày 11.4.2013)
Hùng Thanh
-------------------------------------------------------------------
Lục bát cà phê
Viết tặng N.T.
Cà phê
Ai bảo cô đơn?
Nửa đêm trăng tắm chập chờn Hằng Nga.
Cà phê
Lời bỗng thật thà
Câu thơ chợt viết đúng là yêu em!
Cà phê
Sóng sánh trời quên
Khuấy tan rồi lại hiện tên một người.
Cà phê
Thắm bóng hồng tươi
Ngẩn ngơ uống cạn nụ cười em trao.
Cà phê
Người gặp chẳng chào
Đắng thơm ngọt nhạt lời nào cho nhau?
Cà phê
Vơi nửa ngụm sầu
Thời gian cong lại bạc màu khói bay...
(Bài thơ đã đăng trên báo Tài Hoa Trẻ số 844, ngày 15.5.2013 )
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Nhận xét
Đăng nhận xét