Người giúp tôi yêu thích môn sử

Cô Văn Thị Hoa đang hướng dẫn cho các giáo sinh























Người giúp tôi yêu thích môn sử

1. Nghệ sĩ kể chuyện lịch sử

Tôi là một giáo viên vật lý, khi còn đi học tôi rất ghét môn sử. Khi về nhận nhiệm sở ở trường Võ Thị Sáu, tôi đã rất may mắn khi gặp được một giáo viên có rất nhiều kinh nghiệm đang dạy môn sử ở trường là cô Văn Thị Hoa.

Cô Văn Thị Hoa lớn hơn tôi năm tuổi nhưng cô lại là một nhà giáo rất vững vàng trên bục giảng và có rất nhiều kiến thức về chuyên môn. Trong tình hình hiện nay khi có nhiều học sinh tỏ ra rất chán ghét môn sử, thì ngược lại trong trường Võ Thị Sáu nhiều em lại tỏ ra rất thích được cô Hoa chủ nhiệm, rất thích giờ học sử của cô. Cô Hoa lúc nào cũng đem theo bên mình một giỏ xách, bên trong có hàng chục cuốn sách dày cộp có dán hình ảnh, hoặc các tư liệu về sử học mà cô đã dày công sưu tập được. Nhiều lần vô tình đi ngang lớp của cô đang thao giảng, tôi bắt gặp những ánh mắt vui tươi hớn hở của học trò khi các em đứng trước lớp hóa trang để chuẩn bị diễn một tiểu phẩm nhỏ nào đó về bài sử trong lớp.



























Có thể nói cô Hoa đã rất thành công khi làm cho học sinh có được lòng tự hào về lịch sử nước nhà. Nhiều học sinh nói nghe cô giảng sử mà cứ như đang nghe cô kể một câu truyện hấp dẫn, có đầy đủ tình tiết, đầy hình ảnh sống động về một thời quá khứ oanh liệt đã qua. Sau này tôi có gặp một cựu học sinh giỏi văn lớn tuổi về thăm lại trường, khi nhắc đến cô Hoa bạn ấy đã có một nhận xét rất hay: cô Hoa không phải là một giáo viên dạy sử bình thường. Cô là một nghệ sĩ bậc thầy kể truyện lịch sử giống như Homer, một người hát rong Hy Lạp cổ được tương truyền là đã dùng thơ để kể lại những trường ca bất tử như Iliad và Odyssey.

2. Lý giải về những lần chiến thắng quân Nguyên - Mông


Trong một lần trao đổi với cô Hoa. Tôi có nêu một thắc mắc, người ta thường nói về thiên tài quân sự của Trần Quốc Tuấn trong hai lần ông trực tiếp tổng chỉ huy quân dân nhà Trần đánh thắng quân Nguyên – Mông, nhưng tôi vẫn không hiểu “thiên tài” của nhà cầm quân lỗi lạc này là ở chỗ nào? Cô Hoa mỉm cười giải thích với tôi: Cái thiên tài của Trần Quốc Tuấn là ở chỗ ông không cho giặc phát huy sở trường, mà lại dẫn dụ bắt giặc dùng sở đoản của họ để đối kháng với sở trường của quân ta.

Quân Mông Cổ có đội kỵ binh bất khả chiến bại. Vó ngựa của họ đã giẫm nát cả châu Âu lẫn châu Á. Trần Quốc Tuấn không bao giờ cho kỵ binh của ta đối đầu với kỵ binh của địch. Quân Mông Cổ rất giỏi công thành. Bao thành trì vững chắc trên thế giới đều bị họ phá tan hoang và tàn sát quân dân trong thành. Trần Quốc Tuấn không chủ trương giữ thành, dù đó là kinh đô Thăng Long, mà rút quân chiến lược để bảo toàn lực lượng. Thế là khi xâm lăng Đại Việt quân Mông Cổ đã không phát huy được sở trường tác chiến của họ. Mặc khác biết địch từ xa tới, vận chuyển lương thực khó khăn, nên Trần Quốc Tuấn đã dùng kế vườn không nhà trống làm kiệt quệ lương thực của địch (trong đại thắng quân Nguyên lần 2), hoặc đánh vào đội thuyền lương lớn của địch (trận Vân Đồn – trong đại thắng quân Nguyên lần 3). Giặc dù đã ra sức rèn luyện thủy quân nhưng không thể nào so sánh với thủy quân của ta được, thế là Trần Quốc Tuấn “dụ” địch đánh đường thủy.

Trận thủy chiến vang dội đầu tiên của ta chính là trận chém rơi đầu Phó soái Toa Đô (trận Hàm Tử do Trần Nhật Duật và Trần Quốc Toản chỉ huy). Trận thủy chiến thứ hai lừng danh không kém là trận phản công giải phóng toàn bộ Thăng Long (trận Chương Dương do Trần Quang Khải chỉ huy). Sau này Trần Quang Khải đã nhắc đến hai chiến công hiển hách đó trong bài thơ “Tòng giá hoàn kinh” xem như là báo cáo tổng kết thắng lợi cho công cuộc Kháng chiến chống quân Nguyên lần 2 của quân và dân ta:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san

Dịch thơ:
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)

Trận thủy chiến thứ ba là trận đánh chiếm toàn bộ thuyền lương của địch khiến chúng không còn hy vọng gì, phải tìm cách rút quân về nước (trận Vân Đồn do Trần Khánh Dư chỉ huy). Và trận thủy chiến cuối cùng oanh liệt kim cổ chính là trận Bạch Đằng do chính Trần Quốc Tuấn trực tiếp chỉ huy. Để dụ được giặc vào sông Bạch Đằng, mà giặc phải vào sông đúng lúc nước đang sắp rút để bãi cọc nhô lên đánh đắm thuyền giặc, là cả một nghệ thuật quân sự sắp đặt thiên la địa võng không phải ai cũng làm được. Những điều đã kể ở trên chỉ là một phần rất nhỏ trong muôn vàn tài thao lược, tài cầm quân của Trần Quốc Tuấn, cô Hoa kết luận sau khi đã giảng giải cho tôi nghe. Lúc đó tôi mới hiểu và có thêm lòng tự hào về vị danh tướng anh hùng của dân tộc. Thú thật được nghe cô Hoa trao đổi về tư liệu sử học tôi vô cùng thích thú.

3. Bác bỏ lập luận hạ thấp chiến công Điện Biên Phủ


Một lần khác tôi lại hỏi cô Hoa một câu hỏi hóc búa mà nhiều giáo viên sử thường né tránh: có phải trong trận Điện Biên Phủ quân ta đại thắng nhưng hy sinh nhiều hơn quân địch? Cô Hoa bình tĩnh trả lời: Điều đó đúng không hề sai, nhưng em hãy xem lại vấn đề cho kỹ.

Thứ nhất, địch phòng thủ trong pháo đài cực kỳ kiên cố còn quân ta tấn công. Ai hy sinh nhiều hơn không cần nói cũng đã rõ. Tập đoàn cứ điểm pháo đài Điện Biên Phủ kiên cố đến độ các tướng lĩnh cao cấp của Pháp tỏ ra tuyệt đối tin tưởng, họ gọi đó là nơi “bất khả xâm phạm” (tướng Navarre). Tướng Cogny còn tự tin đến độ buồn cười hơn, khi ông ta chỉ đạo cho các sĩ quan cấp dưới “không nên làm gì thêm để họ phải sợ mà lảng đi” (ý nói quân Pháp không nên phô trương thanh thế ở Điện Biên Phủ khiến quân ta phải sợ mà không dám đến đánh Điện Biên Phủ!). Láo xược nhất chính là Christian de Castries, viên tướng được bổ nhiệm trấn giữ Điện Biên Phủ, y đã thách thức đại tướng Võ Nguyên Giáp của ta: “Tướng Giáp hãy đem quân đến và đập đầu vào đá Điện Biên”.

Thứ hai, địch ở Điện Biên Phủ đã từng được thao dượt kỹ năng phòng thủ nhiều lần trước trận đánh, còn quân ta pháo binh và bộ binh chưa một lần tập dượt, chưa một lần diễn tập để hợp đồng cách đánh nên vừa phải đánh vừa rút kinh nghiệm. Lại thêm quân ta vào thời điểm đó chỉ quen tác chiến vào ban đêm, trong địa hình dễ ẩn náu, còn chiến trường Điện Biên Phủ lại rất bằng phẳng (địch tạo ra để dễ tiêu diệt quân tấn công) và ta phải đánh luôn vào ban ngày trong sự yểm trợ tối đa của địch về máy bay, pháo, xe tăng chi viện (những vũ khí có hỏa lực rất mạnh gây sát thương rất nhiều cho quân ta). Thiên tài quân sự của đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện rất rõ trong lúc này: ông đã sáng suốt từ bỏ lối đánh “đánh nhanh tiến nhanh” tấn công ồ ạt lúc đầu mà chuyển sang lối đánh “đánh chắc tiến chắc” giúp cho quân ta giảm bớt được thương vong rất nhiều. Tiếp đó ông lại đưa tiếp cách đánh đào hào (giúp quân ta có chỗ ẩn nấp khi tấn công) chia cắt và áp sát vào các cứ điểm phòng thủ của địch khiến chúng ngày đêm phải hoảng loạn vì lo sợ, đồng thời cũng hạn chế tối đa những thiệt hại cho quân ta.

Thứ ba, người lính Pháp được trang bị đến tận răng súng ống và trang phục bảo vệ: nón sắt, lô cốt, giày, áo giáp… Còn quân ta nón cối (khi đạn bắn trúng là vỡ nón và tạo thương vong), áo vải, đi dép (dễ bị thương khi giẫm phải kẽm gai, mảnh pháo, mảnh bom)…. nên thường bị sát thương nhiều hơn.

Dù hy sinh nhiều, cô Hoa nói, nhưng quân ta đã thắng một trận chiến lược cực kỳ quan trọng khiến quân Pháp phải từ bỏ ý định tái chiếm Việt Nam. Những kẻ có ý không tốt thường đem so sánh số thương vong của hai bên nhằm giảm uy tín chiến thắng của quân ta nhưng họ vẫn không thể phủ nhận được: Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận thắng lững lẫy địa cầu của dân tộc ta, là trận thắng của những người lính chỉ có vũ khí thô sơ trong tay nhưng đã thắng được quân đội viễn chinh được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại của người Pháp.

Sau hai lần đó và còn nhiều lần khác nữa, trao đổi với cô Hoa, tôi đã được cô giải đáp rất nhiều về những thắc mắc của tôi về sử học. Và cũng không biết tự bao giờ tôi lại trở nên yêu thích sử học nước nhà! Năm 2011 được tin cô Hoa được trao giải thưởng Võ Trường Toản, giải thưởng dành riêng cho những nhà giáo tiêu biểu có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, tôi vô cùng vui mừng và nghĩ cô rất xứng đáng với giải thưởng này.

Năm 2014, cô Văn Thị Hoa về hưu. Cũng trong năm này, được biết có rất nhiều em học sinh đã bỏ môn sử, không chọn môn sử làm môn thi tốt nghiệp khiến tôi rất buồn. Tuy là một giáo viên vật lý, nhưng tôi vẫn luôn ao ước trên bục giảng sẽ có thật nhiều những giáo viên dạy sử như cô Hoa để có thể truyền sự say mê bộ môn khô khan này cho các em, giúp các em tự hào hơn về quá khứ oai hùng của dân tộc.


2014
(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Giáo Dục Và Thời Đại số 83, ngày 7.4.2014)
 
Thanh Trắc Nguyễn Văn





















-------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết đã đăng trên Tạp chí Giáo Dục Và Thời Đại số 83, ngày 7.4.2014
* Bài viết đã đăng trên Báo Văn Nghệ tp.HCM số 308, ngày 3.7.2014

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)