Vì sao học sinh chúng ta lại dở văn?

5 cô sinh viên trong phim Cà phê hí mắt
 


















VÌ SAO HỌC SINH CHÚNG TA LẠI DỞ VĂN?

1. Năm cô sinh viên dở văn:

Năm cô sinh viên “dở văn” này thật ra là năm nhân vật nữ chính trong bộ phim truyền hình “Cà phê hí mắt”. Đó là năm cô gái xinh đẹp trong phim có tên lần lượt là Tâm An, Minh Thi, Hạnh Chi, Tú Quyên và Hoài. Bộ phim “Cà phê hí mắt” do Hãng phim truyện Nhà Văn (VnFilm) sản xuất và được phát hình lần đầu tiên trên HTV9 vào khoảng tháng 8 năm 2012.

Cả năm cô gái trong phim đều là sinh viên ở miền đất tây nguyên, đều có cá tính và có ý chí tự lập rất cao. Họ gặp gỡ nhau, thấy thích nhau nên đã chơi thân với nhau và hợp lại với nhau thành nhóm Ngũ long công chúa.  Nhưng có lẽ do chỉ thích tự lập, do quá ham thích mở quán cà phê “Hí mắt” để sớm buôn bán nên cả năm cô gái đều không chịu trau dồi kiến thức văn học của mình, dù khi đó họ vẫn đang còn khoác trên người chiếc áo sinh viên. Tôi còn nhớ trong tập 7 của bộ phim có cảnh một cô gái nói: “Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”, thế là cả bốn cô gái còn lại cùng thốt lên đồng tình: “Trời ơi, giờ này mà còn đọc thơ Nguyễn Trãi!”.




Thật ra câu “Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” không phải là thơ Nguyễn Trãi, đó chỉ là một câu văn trong bài “Hịch tướng sĩ” của danh tướng Trần Quốc Tuấn, người đã lãnh đạo quân dân ta thời nhà Trần đánh thắng quân Mông Cổ.  Trần Quốc Tuấn và “Hịch tướng sĩ” là niềm tự hào của dân tộc, thế mà cả năm cô sinh viên “dở văn” này lại đọc nhầm tên tác giả trong “giờ vàng” phát sóng của bộ phim. Không hiểu rồi đây sau này có em học sinh nào bị “ngộ độc kiến thức” vì xem phim mà bị nhầm lẫn tên tác giả như năm cô gái ấy hay không? Nhìn chung phim “Cà phê hí mắt” là một bộ phim được xây dựng với ý đồ tốt, nhưng lại tồn tại một “hạt sạn” không đáng có như trên nên giá trị của bộ phim cũng bị giảm đi ít nhiều.

Trước kia tôi đã từng nghe đồn có một người đẹp khi thi đến phần kiến thức đã dõng dạc trả lời Ban giám khảo: “Anh hùng dân tộc hai lần phá Tống là Lý Liên Kiệt (tên một diễn viên siêu sao điện ảnh người Trung Quốc)” khiến mọi người có mặt trong khán phòng phải cười nghiêng ngả. Tôi cứ cho rằng đó chỉ là một câu chuyện đùa, nay được chứng kiến trên màn ảnh nhỏ có tới năm người đẹp trong phim nói nhầm câu “Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” của Trần Quốc Tuấn thành thơ của Nguyễn Trãi; tôi chạnh nghĩ đó không phải là câu chuyện đùa nữa, mà thật sự đã trở thành một câu chuyện rất đáng buồn.

2. Cô giáo dạy văn cũng dở văn:

Cô giáo ở đây cũng là một cô giáo trong phim. Tên cô là Loan, một nhân vật nữ chính trong bộ phim truyền hình “Đường chân trời” của đạo diễn Minh Trương, đang được phát sóng liên tục mỗi tối trên HTV9 từ ngày 7 tháng 3 năm 2014. Loan là một nữ giáo sinh sư phạm khoa văn, đã đi làm cô giáo dạy kèm cho học sinh tại nhà riêng, do Hoa hậu tài năng 2010 Bích Trâm thủ vai. Nhân vật Loan rất xinh đẹp, thông minh và yêu văn học nhưng từ khi mẹ mất vì không có tiền để giải phẫu chữa bệnh, cô đã hoàn toàn biến đổi thành một con người khác: thủ đoạn và chỉ biết có tiền.

Trong tập 12 của bộ phim “Đường chân trời”, Loan có lời thoại với chồng sắp cưới là Hùng, con của một đại gia giàu có, như sau:

- Anh làm em nhớ đến bài thơ Tương tư của Đỗ Phủ:

“Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vỹ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy”.

Tên của bài thơ “Tương tư” là đúng, nhưng tiếc thay tên tác giả là sai. Tác giả thật sự của bài thơ là nàng Lương Ý Nương đời nhà Chu, hoàn toàn không phải là thơ của Đỗ Phủ đời nhà Đường bên Trung Quốc.

Xem xong đoạn phim này tôi cảm thấy tội nghiệp cho những em nhỏ đã từng là học sinh của cô giáo Loan. Cô dạy sai như thế thì hậu quả kiến thức văn học của các em sẽ như thế nào? Đó là còn chưa nói kiến thức của cô giáo văn này cũng có vấn đề, Đỗ Phủ là nhà thơ nổi tiếng được gọi là Thi Thánh vì ông có những tác phẩm thơ hay viết về những nỗi thống khổ của nhân dân, những nỗi đau mất mát do chiến tranh. Thế mà cô giáo Loan này đã dám đem một bài thơ tình nam nữ nổi tiếng gán ghép cho Đỗ Phủ thì quả thật là cô uống thuốc liều không cần toa bác sĩ!

3. Cô giảng viên đại học sư phạm cũng dở văn:

Cô giảng viên đại học dở văn này không phải là nhân vật trong phim mà lại chính là người có thật ở ngoài đời.

Ngày 9.1.2007, trong mục “Ai là triệu phú” trên đài Truyền hình VTV3, do MC kỳ cựu Lại Văn Sâm điều khiển, người được mời lên chiếc “ghế nóng” (Hot Seat) tham dự chương trình là cô Nguyễn Thị Tâm 27 tuổi, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình.

MC đặt câu hỏi nguyên văn như sau:

“Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng; ai là người không phải anh em ruột với ba người kia?”.

Cô nữ giảng viên Đại học Sư Phạm suy nghĩ một lát rồi nói:

- Tự Lực Văn Đoàn… Hừ, Tự Lực Văn Đoàn, tôi chưa nghe nói đến bao giờ cả. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương. Riêng Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng… tôi không biết ba ông này có phải nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh không?… 

(trích dẫn từ một số bài viết trên net)

Dĩ nhiên, với “trình độ kiến thức gánh hát cải lương” cô Tâm bắt buộc phải dừng cuộc chơi. Nhiều người đã trách cô Tâm là một giảng viên đại học sao không để ý đến chữ “Tự Lực Văn Đoàn”. Đã là chữ “văn đoàn” thì không thể nào là gánh hát được. Một người có kiến thức như cô giáo Tâm  mà dám đứng trên bục giảng đại học để giảng dạy cho các thế hệ thầy cô giáo tương lai thì sẽ nguy hại như thế nào?

Qua những điều đã thấy ở trên, chúng ta cũng đừng quá ngạc nhiên vì sao hiện nay lại có quá nhiều học sinh dốt văn và dốt sử đến như vậy!


2014
(Bài viết đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 297, ngày 17.4.2014)

Thanh Trắc Nguyễn Văn




Cô giáo Loan trong phim Đường chân trời








































-----------------------------------------------------------------------------
* Bài viết đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 297, ngày 17.4.2014
* Bài viết đã đăng trên Tạp chí Giáo Dục Và Thời Đại số  101, ngày 28.4.2014
* Bài viết đã đăng trên báo Người Hà Nội số 20, ngày 9.5.2014
* Bài viết đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Hàm Luông số 25 (bộ mới), năm thứ 53, năm 2014

Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)