Cô giáo Hoa - Nghệ sĩ kể chuyện lịch sử

Cô Văn Thị Hoa


































Cô giáo Hoa - Nghệ sĩ kể chuyện lịch sử

1. Cô giáo dạy sử giỏi, chủ nhiệm cũng giỏi:

Khi còn là một nữ sinh lớp 10 đi học tại huyện Bình Chánh, cô Văn Thị Hoa đã may mắn được cô giáo dạy sử Cảnh Tâm truyền cho lòng yêu thích môn sử. Thế là khi đã tốt nghiệp lớp 12, dù gia đình không mấy đồng tình, cô vẫn quyết định thi vào Đại học Sư Phạm khoa sử để theo đuổi ước mơ của mình.

Tôi gặp cô Văn Thị Hoa lần đầu khi cô chuyển về trường THPT Võ Thị Sáu khoảng năm 1990 (trước đó cô dạy ở Bình Chánh). Là một giáo viên dạy sử giỏi, cô Hoa cũng còn là một giáo viên chủ nhiệm giỏi. Tôi còn nhớ trong những năm ấy, chỉ riêng về công tác chủ nhiệm, tôi đã phải học hỏi ở cô rất nhiều.

Thông thường khi còn học ở Đại học Sư Phạm, rồi đi thực tập, các giáo sinh thấy rất thích thú với công tác chủ nhiệm vì luôn nhận được cảm tình của các em học sinh. Nhưng khi đã ra trường, khi đã trở thành giáo viên chủ nhiệm thực thụ với những trách nhiệm thật nặng nề của nhà trường giao phó, người giáo viên chủ nhiệm nếu không khéo sẽ rất lúng túng vì bị áp lực từ nhiều phía. Cô Văn Thị Hoa thì khác, cô luôn sống có trách nhiệm, luôn yêu thương hòa đồng với học sinh, luôn thuyết phục các em bằng những lời lẽ chân tình. Điều này đã được minh chứng khi các em học sinh dù có phải là lớp của cô Hoa chủ nhiệm hay không, đều sẵn sàng nhiệt tình chịu sự điều động của cô để cùng cô và các giáo viên sử tổ chức các buổi ngoại khóa lớn của trường.



Cuốn sách ảnh sưu tầm tư liệu sử của cô Văn Thị Hoa






















Cô Hoa đã cùng Ban Giám Hiệu và tổ sử, tổ chức được rất nhiều buổi ngoại khóa tại sân trường, giúp ích cho sự phát triển học tập của học sinh. Những buổi ngoại khóa “hoành tráng” nhất mà tôi còn nhớ là: Tìm hiểu các nước Asean (năm 1997), Kỷ niệm Sài Gòn 300 năm (năm 1998), Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2004). Những lần đó học trò của lớp tôi chủ nhiệm cũng được cô Văn Thị Hoa điều động tham gia. Các em phải tập dợt và diễn hành rất mỏi mệt, nhưng các em đều rất vui vì thấy được sự đóng góp của mình là rất có ích lợi cho việc học môn sử.

Những năm trước 2000, khi chưa có đèn chiếu và cũng chưa có giáo án điện tử, các giáo viên sử gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu tranh ảnh minh họa. Cô Văn Thị Hoa đã sưu tầm nhiều tranh ảnh có liên quan đến bài học, phóng thật lớn rồi đóng thành một quyển sách ảnh lớn để đem vào lớp cho học sinh xem mỗi khi cô lên lớp giảng dạy. Qua nhiều năm, cuốn sách ảnh của cô Văn Thị Hoa ngày càng dày cộm và có khối lượng “khá nặng”! Có một lần bắt gặp cô Anh Đào, cũng là một giáo viên dạy sử của trường, đang “ngưỡng mộ” lần giở từng trang sách của cô để xem, tôi cũng xin phép cô Văn Thị Hoa được xem thử. Sách ảnh của cô rất phong phú, góc ảnh chụp trong các tấm ảnh của cô sưu tầm thường khác với trong sách giáo khoa, nào là ảnh của đền Parthenon (Hy Lạp cổ), ảnh đấu trường La Mã, ảnh vua Hốt Tất Liệt; nào là ảnh của nghĩa quân Đề Thám, ảnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc trẻ, ảnh trận đánh Mậu Thân 1968… Số ảnh quý của cô lên đến con số ngót nghét năm sáu trăm ảnh. Tôi nhẩm tính số tiền để hoàn thành quyển sách ảnh của cô không phải nhỏ, nhất là trong những năm trước 2000, đời sống của một người giáo viên dạy sử như cô khi đó còn phải gặp rất nhiều khó khăn.































2. Một cô giáo tận tâm và những người học trò đồng nghiệp:

Một lần tôi gặp một người học trò cũ của cô Văn Thị Hoa về thăm trường. Khi tôi hỏi về cô Hoa, người học trò này nói cô không phải là một người dạy sử bình thường, cô là một người nghệ sĩ kể chuyện lịch sử thì đúng hơn. Các bài giảng của cô rất phong phú, luôn thu hút học sinh.

Có một điều thú vị là ngay trong trường Võ Thị Sáu, cô Văn Thị Hoa có hai đồng nghiệp: một người là cô Nguyễn Thị Ngọc Giang dạy môn địa, một người là thầy Nguyễn Thành Trung dạy môn sinh. Cả hai người này đều là học trò cũ của cô Hoa. Khi được hỏi về cô giáo chủ nhiệm cũ của mình, thầy Trung tỏ ra rất xúc động: “Cô Hoa rất yêu thương học sinh, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Tuy phải thường xuyên la mắng những học sinh phạm lỗi, nhưng cô phân tích lỗi của các bạn rất chính xác và có những lời khuyên hợp lý nên các bạn trong lớp đều tâm phục khẩu phục. Cô dạy môn sử cũng rất tận tâm và thường khéo léo nên luôn tạo được sự hứng thú trong học tập. Nhờ cô Hoa mà điểm sử lớp 12 của tôi khi đó ở học kỳ một được mười phẩy. Khi thi tốt nghiệp điểm sử của tôi cũng rất cao, được chín điểm!”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Giang cũng có những kỷ niệm đẹp về cô Văn Thị Hoa: “Khi tôi còn là nữ sinh đi học ở huyện Bình Chánh, cô Hoa lúc đó mới ra trường còn rất trẻ giảng dạy môn chính trị ở lớp tôi. Ai cũng biết môn chính trị là môn rất khô khan nhưng khi học cô Hoa chúng tôi đều rất thích. Cô Hoa luôn tận tình trong giảng dạy và kiến thức của cô phải nói cực kỳ vững vàng.”

Các học trò của tôi chủ nhiệm cũng thế. Các em thường kể rất nhiều về cô giáo dạy sử của mình. Khi cô Hoa thao giảng, các em thường có những tiểu phẩm tham gia minh họa cho bài học trong lớp. Ai cũng biết trang phục lịch sử không phải dễ tìm, nhất là trong những năm trước năm 2000, cô Hoa đã phải tự đi tìm trang phục cho các em. Có khi không mượn được trang phục cần thiết, cô Hoa phải tự tìm qua sách vở, tự thiết kế trang phục rồi đem đến tiệm may nhờ họ đo cắt giùm. Một tiết dạy  trên lớp để cho học trò dễ hiểu được bài và yêu thích môn sử, cô Hoa đã phải đầu tư và đánh đổi rất nhiều thời gian cũng như sức lực.

3. Nỗi lòng của cô giáo về hưu:

Năm 2011, cô Văn Thị Hoa vinh dự đạt được giải thưởng Võ Trường Toản, một giải thưởng dành riêng cho những nhà giáo tiêu biểu, có những đóng góp rất nhiều cho ngành giáo dục. Năm nay, khi cô Hoa về hưu, Bộ Giáo Dục có rất nhiều thay đổi về phương thức thi tốt nghiệp lớp 12. Các thí sinh được quyền chọn môn thi tốt nghiệp, thế là nhiều em không chọn bỏ rơi môn sử. Cô Hoa rất buồn.

Tôi hỏi cô Hoa có phải các em không còn yêu thích môn sử nữa? Cô Hoa khẳng định các em vẫn còn yêu thích môn sử. Nhưng do sự chi phối của ngành học, do hướng phát triển của nghề nghiệp tương lai ở thế kỷ 21 này, các em rất khó chọn môn sử. Ngay cả hậu duệ của những nhà sử học, của những giáo viên dạy sử giỏi nổi tiếng cũng rất ít người chọn môn sử để hướng nghiệp. Không chọn môn sử để thi không phải là các em không yêu thích môn sử. Môn sử vẫn luôn luôn là một môn học quan trọng dù chúng ta đang sống ở thời đại nào. Nhờ có môn sử, chúng ta hiểu được chân lý chính nghĩa luôn luôn thắng, hiểu được ý nghĩa đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân. Môn sử cũng còn giúp chúng ta hướng về nguồn cội, tự hào về quá khứ vẻ vang của dân tộc, rút ra được những bài học cần thiết cho tương lai…

Theo cô Văn Thị Hoa, muốn các em chọn môn sử để thi, nhà nước cần có những đãi ngộ xứng đáng hơn cho các nghề nghiệp có liên quan đến sử học. Kiến thức sử trong sách giáo khoa không nên quá ôm đồm, có quá nhiều con số cần phải nhớ thuộc lòng như hiện nay. Các giáo viên dạy sử không nên chỉ biết đọc chép một chiều, cần tìm tòi và đầu tư nhiều hơn để kết hợp với những phương pháp giảng dạy mới như ngoại khóa, kể chuyện, giới thiệu hình ảnh… Có như thế người giáo viên đứng lớp mới tạo được sự hứng thú học tập cho các em. Nếu được như vậy, cô Hoa tin tưởng  môn sử sẽ lại là một trong những môn học mà các học sinh yêu thích nhất.

(Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ số 155/2014 ngày 13.6.2014)


 Thanh Trắc Nguyễn Văn












































---------------------------------------------------------------------------
* Bài viết đã đăng trên báo Tuổi Trẻ số 155/2014 ngày 13.6.2014

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)