Du lịch Côn Đảo (phần bốn)

Ảnh và tượng của chị Sáu trong Nhà tưởng niệm
Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu (Nhà tưởng niệm cũ)
 























Du lịch Côn Đảo (phần 4) - Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu 

Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu sinh năm 1933 (có tài liệu ghi là 1935) tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Long Đất thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ở Côn Đảo, để tỏ lòng kính trọng người dân Côn Đảo vẫn thường gọi Võ Thị Sáu là cô Sáu. Lúc nhỏ tên thật của chị là Nguyễn Thị Sáu, có cha tên là Võ Văn Hợi và mẹ tên là Nguyễn Thị Đậu. Sinh ra từ một gia đình nghèo nhưng rất giàu lòng yêu nước, Võ Thị Sáu cùng các người anh đã sớm tham gia vào các hoạt động bí mật ở địa phương.

Năm 1947, lúc mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu đã được tổ chức tin tưởng và cho tham gia vào đội Công an xung phong Đất Đỏ. Nhờ thông minh và tài trí, Võ Thị Sáu tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cũng đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ xuất sắc giúp cho đội Công an xung phong Đất  Đỏ chủ động đề phòng và tấn công địch một cách rất hiệu quả. Ngay những ngày đầu mới tham gia tổ chức, Võ Thị Sáu đã phát hiện sớm tên nữ gián điệp Sáu Thoại, một tên chỉ điểm nguy hiểm của giặc Pháp, chị đã báo cáo cho tổ chức xử lý. Tháng 7 năm 1948, chị lại kịp thời phát hiện tên Sớm đã phản bội tổ chức và đang dẫn đường cho quân Pháp vào tấn công căn cứ. Nhờ thông tin kịp thời của chị, đội Công an xung phong Đất  Đỏ đã thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc, tiếp tục chiến đấu với giặc.


Để kỷ niệm ngày Quốc khánh của nước Pháp (14.7.1948), tỉnh trưởng Lê Thành Tường đã tổ chức mít tinh thật rầm rộ tại Đất Đỏ. Võ Thị Sáu và đồng đội đã mưu trí giải tán cuộc mít tinh này lập được chiến công xuất sắc cho tổ chức. Tháng 11 năm 1948, Võ Thị Sáu dùng lựu đạn trừng trị tên cai tổng Tòng, một tay sai đắc lực của Pháp. Tuy cai tổng Tòng không chết, nhưng cũng đủ để cho bọn hội tề và lính đồn khiếp vía không còn dám hống hách lùng sục như trước nữa. Tháng 2 năm 1950, chị lại dùng lựu đạn tiêu diệt được hai tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân là Cả Đay và Cả Suốt.

Năm 1950, Võ Thị Sáu bị bắt và bị tòa án binh Pháp kết án tử hình. Sau gần ba năm bị giam cầm và tra tấn dã man lần lượt tại các nhà tù Bà Rịa và Chí Hòa, địch vẫn không khai thác được gì, chúng đưa chị ra giam ở Côn Đảo. Bảy giờ sáng ngày 23.1.1952, giặc Pháp đã xử bắn Võ Thị Sáu ở Côn Đảo và chôn chị tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Là người nữ tù đầu tiên bị đưa ra Côn Đảo và dũng cảm hy sinh khi tuổi còn rất trẻ, Võ Thị Sáu đã trở thành huyền thoại linh thiêng của nhà tù Côn Đảo. Nhiều tên chúa đảo và bọn tay sai đồ tể khát máu luôn tìm mọi cách để phá nát ngôi mộ của chị nhưng đều bất thành. Cứ sau mỗi lần đập phá, nhiều tên ác ôn như tên tù gian Nguyễn Văn Tân, tên tù thường phạm Nghị, tên tù quân phạm Sước… lại bị chết bất đắc kỳ tử một cách rất khó hiểu khiến bọn cai ngục vô cùng hoang mang hoảng loạn, còn bia mộ của Võ Thị Sáu luôn được những người tù mưu trí dũng cảm lén trùng tu lại ngay. Và éo le thay, chính những thân nhân của bọn cai ngục và ngay cả những tên cai ngục bắt đầu tự thấy ghê sợ bản thân thú vật của mình nên đã nhiều lần lén đến khấn và cầu xin trước mộ cô Sáu.

Nhiều người dân Côn Đảo lớn tuổi thường kể về Chúa đảo Tăng Tư. Chúa đảo Tăng Tư (lúc đó còn được gọi với chức danh là tỉnh trưởng Côn Sơn) luôn rất lễ độ với ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu. Chính vợ chồng Tăng Tư đã lén làm ở Chợ Lớn  một tấm bia bằng đá cẩm thạch có ghi dòng chữ “Liệt nữ Võ Thị Sáu - Sinh năm 1933 tại Bà Rịa - Từ trần ngày 23-12-1952.”  (ngày mất của chị Sáu, vợ chồng Tăng Tư đã ghi sai, có lẽ do họ đã căn cứ vào các mộ bia cũ của tù nhân dựng nhưng đã ghi không chính xác, nên đã bị nhầm lẫn theo) rồi lén chở ra Côn Đảo. Một ngày vào tiết thanh minh của năm 1964, khoảng nửa đêm, vợ chồng Tăng Tư và ba người lính tâm phúc đã long trọng đặt tấm bia trước mộ của chị. Theo tôi đó là một tấm bia rất đẹp, tấm bia đẹp vì của những người tuy đứng bên kia chiến tuyến nhưng lại rất ngưỡng mộ “người con gái đáng sợ” mà giặc Pháp phải luôn tìm cách tử hình sớm để trừ hậu họa. Tấm bia dám ghi là “liệt nữ” chứ không phải “tử tù”! Đã thế tấm bia lại còn dám ghi tiếp là “từ trần” một cách thật thành kính chứ không phải là “chết”! Tấm bia đã được vợ chồng Tăng Tư, những người lính có lương tâm và nhất là những người tù dũng cảm đã giữ kín và bảo vệ đến tận ngày thống nhất đất nước năm 1975, mà bọn an ninh quân đội ở Sài Gòn vẫn không hề phát hiện hay có ý kiến gì!

Ngày 2 tháng 3 năm 1993, Chủ tịch Nước Lê Đức Anh đã ký Quyết định số 149 truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chị Võ Thị Sáu. Ngày nay du khách đến Côn Đảo sẽ được đến thăm Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu tại trung tâm Côn Đảo đang được gấp rút xây dựng, rộng 200 mét vuông, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Sau đó, du khách sẽ được đến thăm mộ chị Sáu tại trung tâm khu B, nghĩa trang Hàng Dương.

Đêm trong Nghĩa trang Hàng Dương rất ấm cúng. Các ngọn đèn điện sử dụng bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời ở các ngôi mộ đều sáng lung linh cùng với các bóng đèn điện ở các lối đi dẫn vào Đài tưởng niệm nằm ở vị trí trung tâm của nghĩa trang. Nếu bị lạc đường, khách đến viếng nghĩa trang trong đêm vẫn có thể theo hướng tìm đến Đài tưởng niệm ở giữa nghĩa trang. Hệ thống loa được bố trí đều khắp nghĩa trang thỉnh thoảng lại ngân vang nho nhỏ tên tuổi các anh hùng liệt sĩ, các cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã từng đấu tranh và hy sinh trong ngục tù trên Côn Đảo.


Chúng tôi đến thăm mộ chị Sáu vào lúc nửa đêm, và phải đợi khá lâu vì có nhiều đoàn đã đến trước đó, rồi mới vào thắp hương cho chị được. Lễ viếng bắt đầu từ 23 giờ đêm. Mộ của chị Võ Thị Sáu hiện giờ đã được xây dựng lại bằng đá hoa cương. Ở phía đầu của ngôi mộ là một cây dương cổ thụ. Còn ở phía sau mộ là cây lê ki ma. Cây lê ki ma này được đem ra từ Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, quê hương của chị. Theo nhiều người dân Côn Đảo, mộ chị Võ Thị Sáu đêm nào cũng được rất nhiều người đến viếng. Cảm động nhất là có một cựu chiến binh tóc bạc trắng đã thành kính hát bài ca Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn trước mộ của chị. Giọng nam trầm đã lớn tuổi, lại thêm đang nghẹn ngào vì xúc động, nên lời hát nghe không còn rõ. Nhưng kỳ diệu thay, đã có nhiều người xung quanh ông đã cùng hát với ông, và bài hát cứ vang lên tuy nho nhỏ những đầy trang trọng trong Nghĩa trang Hàng Dương:

“Ở quê ta miền đất đỏ
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng
Đã chết cho mùa  hoa lê ki ma nở
Đời sau vẫn còn nhắc nhở
Sông núi đất nước ơn người anh hùng
Đã chết cho đời sau…”

Lời hát âm vang, rồi vang vọng trong đêm Nghĩa trang Hàng Dương lồng lộng gió ca ngợi người con gái bất tử của đất nước nghe sao thật tha thiết và cũng thật hào hùng… 



Thanh Trắc Nguyễn Văn



Viếng mộ chị Võ Thị Sáu trong đêm (ảnh sưu tầm)





















----------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết (gồm 5 phần) có sử dụng rất nhiều tư liệu từ nhiều nguồn, trong đó có rất nhiều tư liệu lấy từ Nhà Bảo Tàng di tích lịch sử Côn Đảo, Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo
Phần 1 du lịch Côn Đảo
Phần 2 du lịch Côn Đảo
Phần 3 du lịch Côn Đảo 
Phần 4 du lịch Côn Đảo
Phần 5 du lịch Côn Đảo 

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)