Du lịch Côn Đảo (phần năm)

Chú rể và cô dâu ở Côn Đảo ra mộ chị Võ Thị Sáu
xin cầu phúc (ảnh sưu tầm)
 























Du lịch Côn Đảo (phần 5) – Côn Đảo vùng đất tâm linh
 

Ngày 17 tháng 10 âm lịch là ngày giỗ của bà Phi Yến (tên tục gọi là Lê Thị Răm), vợ chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long). Do ngăn cản Nguyễn Ánh không nên xuống thuyền đi cầu viện người Pháp đánh Tây Sơn, bà đã bị Nguyễn Ánh giam cầm tại Côn Đảo. Con của bà và Nguyễn Ánh là hoàng tử Cải đã bị Nguyễn Ánh trong một phút nóng giận ném xuống biển chết. Xác hoàng tử Cải được sóng biển đưa về Côn Đảo, tấp vào bãi Đầm Trầu. Người dân ở làng Cỏ Ống đã chôn và lập miếu thờ gọi là Miếu Cậu. Bà Phi Yến được dân làng giải cứu đã đến đau đớn đứng khóc mãi trước mộ con. Nhiều người đời sau đã tin câu hát sau là xuất phát từ câu chuyện trên:

“Lá đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.

Bà Phi Yến ở lại làng Cỏ Ống chăm sóc mộ cho con. Cho đến một ngày nọ, làng An Hải có tổ chức một lễ đàn chay lớn. Họ đã cử người sang làng Cỏ Ống thỉnh bà Phi Yến về dự cho long trọng. Một tên vô lại ở làng An Hải tên là Biện Thi, thấy bà Phi Yến quá xinh đẹp nên lẻn vào nơi bà đang nghỉ để tính làm điều xằng bậy. Khi hắn nắm cánh tay bà, bà đã kịp tri hô cho dân làng đến cứu. Tuy tên Biện Thi chỉ mới nắm được cánh tay, nhưng bà Phi Yến cũng lấy làm tủi nhục nên tự chặt đứt cánh tay rồi tự vẫn. Cảm động trước lòng yêu nước và sự trung trinh của bà, người dân đã lập miếu thờ bà Phi Yến (gọi là miếu Bà) và miếu thờ hoàng tử Cải (gọi là miếu Cậu).


Ở Côn Đảo, trước kia người dân thường tổ chức ngày giỗ của Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu theo ngày dương lịch là ngày 23 tháng 1, ngày chị đã hy sinh. Nhưng bắt đầu từ năm 2010, người dân ở đây đã căn cứ theo âm lịch, nên ngày giỗ của chị chính thức đã được công nhận là ngày âm lịch 27 tháng chạp mỗi năm.

Ngày giỗ của chị Sáu là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo, là ngày Nhà nước và nhân dân cùng tổ chức. Nhiều người ở đất liền, nhớ ngày giỗ của chị, cũng vượt biển mang lễ vật đến nhà Tưởng niệm và mộ của chị Võ Thị Sáu để làm lễ dâng hương. Đã từ lâu chị Võ Thị Sáu đã trở thành vị thần hộ mệnh của người dân Côn Đảo. Cũng chính vì vậy, ngày này trên mộ chị, từ sáng đến đêm, lúc nào cũng có đầy hoa tươi và khói hương nghi ngút.

Ở Côn Đảo, hai người phụ nữ được người dân tôn sùng nhất chính là bà Phi Yến và Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu. Họ thường tôn kính gọi Võ Thị Sáu là “cô Sáu”. Mỗi khi có thề thốt quan trọng họ đều nhờ “cô Sáu chứng giám”. Nhiều nam nữ thanh niên Côn Đảo hiện nay trước khi làm lễ cưới đều ra viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Họ thành kính thắp hương, cúng gương lược trước mộ chị Sáu để cầu xin chị ban phúc cho họ được sống trọn đời bên nhau đến răng long đầu bạc…

Côn Đảo là nơi yên nghỉ của gần 30.000 chiến sỹ cách mạng yêu nước (khoảng 10.000 người ở Nghĩa trang Hàng Keo hầu hết hài cốt đều hòa vào đất cát, và 20.000 người ở Nghĩa trang Hàng Dương đã được quy tập) đã chết vì lao tù khổ sai, vì sự tàn bạo của quân thù. Côn Đảo cũng có thể xem là bàn thờ linh thiêng của Tổ quốc. Tại nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang lớn nhất Côn Đảo, theo nhiều tài liệu ghi chép, được bắt đầu khởi công xây dựng và tôn tạo từ ngày 19 tháng 12 năm 1992. Diện tích của nghĩa trang Hàng Dương vào khoảng 20 hec ta, và được chia làm 4 khu:

Khu A: Gồm 688 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể) trong đó 91 mộ có tên và 597 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 trở về trước. Nơi đây có mộ của liệt sỹ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.

Khu B: Gồm 695 ngôi mộ (có 17 mộ tập thể) trong đó 276 mộ có tên và 419 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 đến 1960. Nơi đây có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.

Khu C: Gồm 373 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể) trong đó 332 mộ có tên và 41 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 đến 1975. Nơi đây có mộ của anh hùng Lê Văn Việt.

Khu D: Gồm 157 ngôi mộ, trong đó 14 mộ có tên và 143 mộ khuyết danh. Đặc biệt mộ khu D được quy tập các mộ từ Hòn Cau và Hàng Keo về.

Tuy vậy, trên đất Côn Đảo vẫn còn có rất nhiều hài cốt liệt sỹ vô danh (khoảng 10.000 người) không thể tìm được vì đã từ lâu hòa vào đất cát Côn Đảo, hòa vào sóng biển Tổ quốc. Người ta nói đi trên đất Côn Đảo nên bước đi thật nhẹ, vì biết đâu dưới chân là hài cốt không còn nguyên vẹn của những tù nhân anh hùng bất khuất…

Trước khi rời Côn Đảo chúng tôi đến thăm Cầu Tàu 914. Cầu tàu nằm tại trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo (phía trước nhà Chúa Đảo). Cầu tàu được khởi công xây dựng từ năm 1873. Con số 914 được đặt tên cho cầu là do đã có 914  người tù đã ngã xuống vì kiệt sức, vì bị tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu.

Chúng tôi cũng đến thăm cầu Ma Thiên Lãnh. Từ năm 1930 – 1945, thực dân Pháp bắt tù nhân xây dựng cầu này. Cầu vẫn chưa xây xong, chỉ mới dựng được hai mố cầu, mỗi mố cầu cao 8m nhưng đã có đến 365 tù nhân do chế độ lao dịch quá nặng nề đã phải bỏ mạng. Thật là những con số kinh khủng và cũng thật bi thương!

Đến với Côn Đảo là đến với vùng đất tâm linh. Tiếc thay vẫn còn có nhiều du khách thiếu lòng tự trọng. Họ đến Côn Đảo là để bày mâm lễ vật cúng kiến xin tài lộc, xin chức quyền theo kiểu mê tín dị đoan trước mộ chị Sáu. Thỉnh thoảng trên những bức tường nhà tù, tôi lại bắt gặp những nét chữ còn mới tinh, khắc lăng nhăng tên của một đôi tình nhân nào đó. Tại các Chuồng Cọp, tại các sân nhà tù, các chai nước uống được sản xuất ở thế kỷ 21 nằm lăn lóc vô tội vạ, thay vì nằm gọn trong thùng rác, đã nói lên phần nào ý thức quá kém của nhiều vị du khách.

Côn Đảo là nơi an nghỉ của những người con ưu tú của dân tộc. Côn Đảo là nơi ghi lại tội ác tày trời của những bọn ác thú đội lốt người. Côn Đảo là chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng ta hãy nên đến Côn Đảo với tất cả sự thành kính và trân trọng.

Thanh Trắc Nguyễn Văn




Một chai nước nằm lăn lóc trong góc sân Chuồng Cọp





















----------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết (gồm 5 phần) có sử dụng rất nhiều tư liệu từ nhiều nguồn, trong đó có rất nhiều tư liệu lấy từ Nhà Bảo Tàng di tích lịch sử Côn Đảo, Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo
Phần 1 du lịch Côn Đảo
Phần 2 du lịch Côn Đảo
Phần 3 du lịch Côn Đảo 
Phần 4 du lịch Côn Đảo 
Phần 5 du lịch Côn Đảo 

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)