Đọc tập thơ Tình như sương khói của Dung Thị Vân
Vài dòng cảm nhận khi đọc tập thơ
Tình như sương khói của Dung Thị Vân
Nhận được tập thơ Tình như sương khói của nhà thơ nữ Dung Thị Vân tặng, chỉ cần đọc vài trang đầu tôi dường như cảm nhận được ngay cái sương khói mông lung, bồng bềnh của cao nguyên Lâm Viên, nơi Vân đã từng sinh sống và lớn lên.
Tập thơ Tình như sương khói, được nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp giấy phép xuất bản năm 2014, có khoảng 50 bài thơ của Dung Thị Vân sáng tác trong những năm gần đây, in trên giấy trắng dày. Bìa tập thơ là do họa sĩ Nguyễn Chinh thiết kế rất đẹp, cả bìa trước và bìa sau đều có ảnh của Vân. Riêng bìa trước tập thơ là bức họa chân dung Dung Thị Vân, một vẻ đẹp nữ tính thật đằm thắm ẩn hiện lung linh dưới nét vẽ tài hoa của họa sĩ Nguyễn Chinh.
Nhà thơ Dung Thị Vân ngoài bút danh là tên thật, Vân còn thường sử dụng hai bút danh khác là Lan Chi và Dung Vân. Quê Vân ở Đức Trọng, rất gần thành phố ngàn thông Đà Lạt. Vân vẫn thường kể, mỗi khi có dịp về Đức Trọng, Vân lại đi xe gắn máy vượt đèo Preen để lên thăm thành phố mộng mơ Đà Lạt, thăm những vườn hoa của Đà Lạt, thăm cái “sương khói” mờ ảo của Đà Lạt.
Tôi cũng đã nhiều lần đến Đà Lạt, cũng đã nhiều lần đi lang thang quanh hồ Xuân Hương để tận hưởng cái cảm giác mát lạnh đến thú vị, cái cảm giác cô đơn nhưng cũng đầy tính lãng mạng của thành phố du lịch nổi tiếng này. Không cần nói nhiều, bạn bè của Dung Thị Vân đều biết Vân rất yêu hoa và yêu Đà Lạt da diết đến độ nào. Vân về lại Đà Lạt cũng là về lại kỷ niệm của một “mối tình sương khói” xưa:
“Chiếc áo năm nào màu xanh không còn nữa
Tiếng ve kêu biền biệt từ lâu
Anh không hái cho em chùm hoa màu nắng hạ
Nên hoàng hôn hiu quạnh nửa cuộc tình”.
(Về lại tuổi hẹn hò)
Là một nhà thơ nữ có tài, lại đa sầu đa cảm nên tình yêu của Dung Thị Vân trong thi ca cũng rất ngọt ngào, dù sự ngọt ngào đó chỉ là dành cho một sự xa cách không còn chút hy vọng nào để hàn gắn lại:
“Em viết cho anh
Bài thơ sương khói
Cách trở núi rừng
Tím dòng sông
Câu thơ tình
gởi gió
biết về đâu…”
(Tình như sương khói)
Càng đọc các bài thơ trong tập thơ Tình như sương khói, tôi càng như lạc vào thế giới mờ ảo cổ tích chỉ có riêng trong thơ của Vân. Chúng ta hãy nghe Vân thổn thức, những lời thơ thổn thức có thể làm chữ ứa ra lệ làm ướt đẫm trang giấy:
“Anh ơi
Lệ nhỏ tràn ra giấy
Anh ở bên trời
Có nhặt chút xót xa
Em kỳ ảo
Những âm thanh vô vọng
Sao quanh em
Đau buốt chữ tình cờ”
(Ngăn tim màu lá cỏ)
“Ngày xưa anh đã là mây trắng
Em một nụ hồng trong giá băng”
(Se kết nụ hồng)
Tình như sương khói của Dung Thị Vân bắt nguồn từ đâu trên miền đất cao nguyên quanh năm lạnh giá? Có phải chăng bắt đầu từ ly cà phê “sương khói”:
“Anh có biết
Em một mình
Bên ly cà phê đắng
Cứa vào hồn những tiếng thở than”.
(Anh có nói)
Có phải chăng bắt nguồn từ những hờ hững vô tình, nhẹ nhàng như “sương khói” của người ấy, nhưng cũng đủ để trái tim trong suốt như pha lê của Dung Thị Vân phải lạnh lẽo, phải tan nát và vỡ vụn:
“Anh hờ hững
Để em đau
Anh nặng lời
Để em khóc
Anh tình cờ này
Đến tình cờ khác
Nhói ngàn mũi kim
Để con tim tuôn rơi dòng máu đỏ
(Tình cờ)
Dung Thị Vân vẫn về Đà Lạt, vẫn về để yêu thành phố xinh đẹp của tuổi thơ, của những kỷ niệm đã xa. Những câu thơ của Vân viết về Đà Lạt luôn là những câu thơ thủy chung lãng mạng và hay nhất trong tập thơ:
“Có bao giờ…
anh ôm trong tay ánh hoàng hôn Đà Lạt
Một đêm trăng huyền hoặc Xuân Hương?
Có bao giờ
anh nhìn giọt sương ven nhà hàng Thủy Tạ
Thả trong chiều vang vọng tiếng chuông ngân?
(Anh có về Đà Lạt cùng em?)
Tình như sương khói hãy để nó tan đi như khói sương… Dù hiểu được điều đó nhưng Dung Thị Vân vẫn còn đau đáu mãi để rồi viết ra được những câu thơ vang vọng nốt trầm buồn:
“Thời gian mãi vô tình
Vết son môi hờ hững
Em lặng lẽ kết tinh
Những vô hạn chuỗi tình
Em thời gian lầm lũi
Vết thương nhàu cô đơn
Em thời gian lầm lũi
Dấu hài đan bùi ngùi”
(Cuộn vo tình ngàn năm)
Đọc hết tập thơ của Vân, tôi vẫn còn mãi cái cảm giác như đang lang thang trên một đồi thông có ánh trăng huyền ảo đầy sương lạnh của xứ sở Đà Lạt. Phải nói Đà Lạt trong thơ Dung Thị Vân rất đẹp. Đẹp như một bức tranh đa màu sắc lung linh. Đẹp như một khúc nhạc có nhiều cung bậc cảm xúc. Đẹp như câu thơ vang vọng về ký ức xưa của Dung Thị Vân:
“Ai nhớ
làm em vênh cả guốc…
Giật mình
Vấp tiếng lá thông rơi!
Sài Gòn 2014
(Bài đã đăng trên trang web văn học Hội Nhà Văn tp.HCM ngày 8.2.2015)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Nhận xét
Đăng nhận xét