Tạp văn: Cải cách giáo dục và chuyện một con khỉ























CẢI CÁCH GIÁO DỤC VÀ CHUYỆN MỘT CON KHỈ

Chiều chủ nhật, tôi dùng xe gắn máy chở một người bạn là thầy T. - một nhà giáo dạy vật lý lớp 12 của một trường tại quận Bình Thạnh. Xe đang chạy bon bon trên đường nhựa lớn thì bất ngờ có một chiếc xe gắn máy từ trong hẻm chạy xộc ra. Tôi vội vã thắng gấp, rất may là xe không tông vào chiếc xe chạy ẩu kia, nhưng cũng khiến tôi và cả thầy T. một phen hoảng hốt vì cả hai hầu như cùng ngả người chúi nhủi về phía trước.

Cầm lái chiếc xe gắn máy từ trong hẻm chạy ra là một thanh niên còn rất trẻ khoảng hơn hai mươi tuổi. Anh ta nhìn chúng tôi rồi càu nhàu:

- “Cắm đầu” chạy chi cho cố vậy hai cha?

Thấy gã thanh niên nặng lời với những người lớn tuổi, tôi liền trả đũa:

- Em cũng “cắm đầu” chạy từ trong hẻm ra đó thôi!  Với lại chúng tôi đang chạy trên đường lớn còn em từ trong hẻm chạy ra, theo luật đường bộ thì chúng tôi được ưu tiên hơn. Xe em phải nhường xe chúng tôi mới đúng luật giao thông.




















- Ưu tiên cái con mẹ gì! Lần sau hai cha còn chạy ẩu như vậy đừng trách thằng này sẽ đích thân tẩm liệm xác cho hai cha đó nghen!

- Ê! Thằng kia! Đề nghị mày nói năng đàng hoàng một chút, không được chửi thề lung tung…

- Mẹ, tui cứ chửi đó! Hai cha làm gì tui? Đâu có luật nào cấm người dân chửi thề đâu?

Nói xong gã thanh niên rồ ga thật lớn, phun khói mịt mù rồi phóng xe đi. Tôi định đuổi theo thì thầy T. ngồi sau lưng níu áo tôi, nói nhỏ:

- Thôi nhịn đi, cho lành! Ăn thua làm gì với cái thứ vô văn hóa đó!

Nghe lời thầy T., chúng tôi tấp vào một quán cà phê ven đường. Vẫn còn bực mình vì chuyện khi nãy, tôi ấm ức nói:

- Thằng nhỏ đó mất dạy thiệt!

- Nó là học sinh cũ của trường tôi đó!

- Học trò của ông hả?

- Không, tôi không dạy nó nhưng nó là một trong những học trò của trường. Tôi nhớ mặt nó vì nó nhiều lần ngủ trong lớp bị đưa xuống phòng giám thị…

- Như vậy nó cũng phải biết ông chứ? Sao gặp ông nó cứ chửi lung tung vậy?

- Học trò bây giờ gặp thầy cô ngoài đường tránh mặt không chào là chuyện thường, còn thỉnh thoảng chửi cả thầy cô cũng không còn là chuyện hiếm nữa. Ông không theo dõi báo chí thường xuyên à? Văn hóa người Việt của chúng ta đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Chuyện va quẹt xe cộ đường phố cũng thế. Có một câu nói thế này: “Nhịn là nhục! Cự là gục!”.  Khi tham gia giao thông trên đường lỡ có xảy ra va chạm gì thà nhịn nhục là hơn, còn cứ phồng mang trợn mắt cự cãi nhiều khi phải rước họa vào thân. Có nhiều án mạng xảy ra chỉ từ những chuyện rất nhỏ nhặt: xe này chỉ tông nhẹ vào xe kia, nhưng lời qua tiếng lại, rồi rút dao đâm người chỉ vì bị đuối lý trong khi tranh cãi phần phải thuộc về mình. Kết quả là kẻ vào tù, người ra nghĩa trang.

- Đáng sợ thật! Thế với tư cách là một nhà giáo ông nghĩ nguyên nhân gì đã khiến văn hóa người Việt chúng ta xuống cấp trầm trọng đến như vậy?

Thầy T. trầm ngâm hồi lâu bên ly cà phê rồi nói:

- Có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính, thứ nhất vẫn là sự buông lỏng giáo dục trong gia đình của cha mẹ; thứ hai là sự thờ ơ, thiếu quyết liệt với tội phạm của những người có nhiệm vụ phải bảo vệ luật pháp; và thứ ba là những sai lầm trong cải cách giáo dục.

- Sai lầm trong cải cách giáo dục? Ý ông nói là nhà trường?

- Chính xác là từ Bộ Giáo dục thì đúng hơn. Giáo viên chúng tôi bây giờ rất sợ mấy cái từ “cải cách giáo dục”. Người ta thực hiện “cải cách” để được giải ngân hàng chục ngàn tỷ từ ngân sách nhà nước làm kinh phí. Ai được lãnh tiền triệu, tiền tỷ không biết, còn giáo viên chúng tôi phải đi học, đi thi theo chương trình họ đề ra thật vất vả. Kết quả của những lần “cải cách giáo dục” thì mấy năm nay ông cũng thấy đó, báo chí đã đăng tải rất nhiều: hết phân ban rồi lại bỏ phân ban, hết giảm tải rồi tích hợp, cứ rối tung cả lên nhưng chất lượng học sinh cứ ngày càng đi xuống. Nói thật học sinh trước cải cách giáo dục đâu có vô lễ nhiều như bây giờ. Đau lòng nhất mới đây ở Quảng Trị, báo chí phát hiện có nhiều học sinh đang ngồi học ở lớp 7 nhưng không viết đúng được tên của mình!

- Cái đó nguyên nhân chính phải là thầy cô chứ?

- Đồng ý, nhưng các giáo viên phải dạy đúng chương trình của Bộ Giáo dục đề ra. Ai dám dạy sai phân phối chương trình của Bộ sẽ bị đào thải khỏi ngành. Vì vậy nguyên nhân chính không thể chối cãi được vẫn là do chương trình “cải cách giáo dục”!

- Ừ, cũng là do còn nhiều trường học chấp nhận “sống chung với gian dối, thở chung với dễ dãi” để có cho được những bảng báo cáo thành tích màu hồng. Các lớp tiểu học bây giờ toàn là học sinh xuất sắc, để tìm được một em bị đánh giá học lực trung bình cực kỳ khó; tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp lớp 12 năm nào cũng xấp xỉ một trăm phần trăm, cứ như nền giáo dục của nước chúng ta là ưu việt nhất nhì thế giới vậy. Tôi có một nhỏ cháu gọi tôi bằng chú, nó vừa thi rớt đại học xong, học hành thì lười biếng. Suốt ngày nó cứ nói dối với cha mẹ hết bị nhức đầu đến đau bụng, để được cha mẹ xin phép cho nghỉ học, thế mà học bạ của nó cuối năm vẫn được đánh giá đạo đức là "tốt"! Và cái thằng lái xe ẩu chửi tôi và ông khi nãy không chừng đạo đức của nó trong lớp vẫn là "tốt" không biết chừng!

Thầy T. mỉm cười nói tiếp:

- Tôi còn nhớ khoảng năm 2003, lúc đó chúng tôi lại phải tiếp tục bản trường ca khăn gói đi học cải cách giáo dục. Giảng viên dạy Phương pháp giảng dạy mới là một thầy còn rất trẻ, chỉ hơn ba mươi. Ngay những phút đầu tiên vào bài học, giảng viên này đã  phê phán câu “Tiên học lễ, hậu học văn” của ông cha ta. Theo giảng viên vì “phải học lễ” nên người xưa đã đào tạo ra những lớp học trò thiếu óc sáng tạo, chỉ biết khúm núm vâng lời như một cái máy trước các thầy đồ. Còn phương pháp giảng dạy mới (cải cách giáo dục), chắc chắn sẽ đào tạo ra những lớp học sinh năng động, biết tranh luận và biết làm chủ các công nghệ mới.

- Cũng có lý đấy chứ!

- Đâu có ai nói là sai! Nhưng quan trọng là có thực hiện cải cách đúng như đã nói hay không mà thôi! Buổi học hôm đó có rất nhiều giáo viên lớn tuổi bất mãn nhưng không một ai có ý kiến. Giờ nghỉ giải lao, một thầy giáo sắp về hưu đã nói với tôi: cứ cải cách giáo dục theo kiểu xem nhẹ truyền thống “tiên học lễ” của dân tộc, không xem trọng đạo đức, chắc chắn chúng ta sẽ chỉ đào tạo ra những con khỉ!

- Có một con khỉ trong phim của Trung Quốc đã dám quậy nát cả thiên đình đó ông!

- Đó là con khỉ trong tác phẩm kinh điển Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Sư phụ đầu tiên của anh khỉ này là Bồ Đề Tổ Sư, ông ta chỉ lo truyền thụ 72 phép thần thông cho học trò mà không chú ý đến rèn luyện đạo đức. Đã vậy, khi thấy chàng khỉ quậy quá, thay vì dạy dỗ cho khỉ nên người, ông lại đuổi nó ra khỏi trường học. Kết quả là nó ỷ có tài, ngạo mạn xem trời bằng vung, quậy phá lung tung làm tan nát cả thiên đình. Cuối cùng chàng khỉ bị Phật tổ Như Lai dùng phép cho núi đá đè bẹp phạt mất 500 năm.

- Nhưng cuối cùng Tôn Ngộ Không cũng thành chính quả mà!

- Tôn Ngộ Không được nên người là do công lao của Đường Tăng, sư phụ sau này của anh khỉ. Để khống chế anh khỉ, giúp hắn thành người sống có kỷ luật, Đường Tăng phải lừa cho hắn đội vòng kim cô vào đầu. Mỗi khi anh khỉ muốn “quậy”, thầy Đường Tăng chỉ cần đọc vài câu thần chú cho vòng kim cô xiết lại khiến hắn vô cùng đau đớn.

- Nhiều nhà phê bình văn học đã phê phán cái vòng kim cô này, cho rằng nó bóp nghẹt ý chí tự do của Tôn Ngộ Không.

- Mỗi người mỗi ý, nhưng theo tôi đối với những kẻ có tài năng vượt trội mà không biết khiêm tốn, không biết tự kiềm chế cần phải có vòng kim cô này trên đầu. Giáo dục nếu chỉ có động viên không thôi, không biết kết hợp với răn đe, với xử phạt sẽ khó mà thành công được. Nhưng nếu đọc kỹ Tây Du Ký, ông sẽ thấy Đường Tăng cũng là một nhà giáo dục “vĩ đại” đấy chứ!

- Đúng vậy, Đường Tăng có ba người học trò đều là học sinh “cá biệt”: Tôn Ngộ Không thì quậy tưng, Trư Bát Giới thì lười biếng, Sa Tăng thì thụ động. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Đường Tăng có đủ cả!

- Đường Tăng đã chinh phục các học trò quỷ quái của mình bằng phẩm chất cao quý của một người thầy, bằng đạo hạnh của một nhà tu hành, bằng lối sống ngay thẳng không vụ lợi của một người bạn đồng hành. Những bài giảng đạo đức của ông tuy “nhàm chán” nhưng dần dần đã thẩm thấu vào tư tưởng, vào nhân cách của các đệ tử, trong đó người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là Tôn Ngộ Không.

- Ông nói đúng, để trở thành một “nhà giáo” như Đường Tăng không phải là chuyện dễ!

- Nếu dùng phép so sánh ta sẽ thấy Bồ Đề Tổ Sư dạy phép thuật cho Tôn Ngộ Không chi có vài năm. Còn Đường Tăng dạy cho Tôn Ngộ Không thành người phải mất đến mười mấy năm. Trong mười mấy năm đó Tôn Ngộ Không phải đi theo thầy tìm chân lý với biết bao nhiêu là gian khổ, nhiều lần phải vào sinh ra tử, phải chiến đấu với yêu tinh quỉ dữ; nhưng cái khó nhất vẫn chính là phải chiến đấu và chiến thắng bản thân mình. Bồ Đề Tổ Sư dạy “lễ” cho anh khỉ không thành công. Đường Tăng phải tốn rất nhiều thời gian và công sức mới khắc phục được sai lầm của Bồ Đề Tổ Sư, để giúp cho Tôn Ngộ Không thành chính quả. Dạy "lễ" cho một con khỉ thành người thật khó khăn vô cùng, không chỉ đơn giản là một câu nói suông.

Thầy T. trầm ngâm một lát rồi nói tiếp:

- Những năm gần đây, chương trình cải cách giáo dục của chúng ta chỉ lo dạy kiến thức mà buông lỏng giáo dục đạo đức, ít quan tâm giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ nên đạo đức xã hội ngày càng suy đồi. Bạo lực học đường, giết người vô cớ, sống vô tâm với nỗi đau của người khác đang tràn lan trong giới trẻ mặc dù đã được xã hội nhiều lần báo động. Đừng bao giờ coi nhẹ “tiên họ lễ” để rồi phải trả cái giá quá đắt! Cải cách giáo dục chỉ thành công khi chúng ta đào tạo được những con người vừa có tài trí vừa có nếp sống văn hóa sống lành mạnh. Những căn bệnh trầm kha khó trị của ngành giáo dục hiện nay vẫn là bệnh hình thức, bệnh dễ dãi và bệnh thành tích. Những căn bệnh này vô hình chung đã sản sinh ra nhiều em học sinh chỉ biết tìm mọi cách đạt được mục đích, không biết tự xấu hổ với những hành động xấu của bản thân mình. Không khéo chúng ta đang tự làm hỏng nền văn hóa của chúng ta đấy ông bạn ạ!

- Ông này, thú thật tôi không còn giận gã thanh niên khi nãy nữa mà cảm thấy thương nó hơn!

- Sao vậy?

- Vì nó vẫn còn là khỉ chứ chưa được thành người!


2016
(Bài đã đăng trên trang web văn học Văn Đàn Việt ngày 8.3.2016)
                                            

Thanh Trắc Nguyễn Văn


















Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)