Truyện ngắn: Nữ thần Dê Trắng (Phần 2)


































NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 2)

II
Một tối mùa thu năm Đinh Mùi (năm 1427) tại doanh trại chủ tướng, Thái úy Trần Nguyên Hãn chủ trì họp các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn đang vây hãm thành Xương Giang. Hãn nhìn bản đồ thành Xương Giang rất lâu rồi nói:

- Các tướng quân vây thành Xương Giang hơn nửa năm trời vẫn không hạ được thành khiến Bình Định Vương vô cùng lo lắng. Quân sư Nguyễn Trãi cũng ăn ngủ không yên. Nay Bình Định Vương sai ta cùng quan Tư mã Lê Sát, hai quan Thiếu úy Lý Triện và Nguyễn Lý đem quân đến trợ chiến. Nếu không chiếm được thành Xương Giang ta sẽ không còn mặt mũi nào về gặp Bình Định Vương, chỉ còn một cách tự sát để chịu tội vì đã phụ lòng tin tưởng của Người.

Các tướng cùng quỳ xuống hô lớn:

- Chúng tôi nguyện cùng liều chết với chủ tướng, quyết thắng trận này! Xin ngài an tâm!

















Phó quân sư Lê Văn Linh vội bước ra nói:

- Xin quan Thái úy nên cẩn trọng với hai tên tướng giặc giữ thành Xương Giang! Kim Dận và Lý Nhậm đều là hai tướng giỏi của quân Minh. Kim Dận rất nhiều mưu lược và là một tay gươm siêu quần. Chính hắn đã chém chết rất nhiều quân tinh nhuệ của ta. Hai tháng trước phó tướng Nguyễn Huy do quá chủ quan đã bị sa vào bẫy mai phục của quân Minh, phải đối mặt cùng Kim Dận so gươm. Kết quả phó tướng Nguyễn Huy đã bị hắn giết chết trước cổng Bắc thành Xương Giang. Tuy có tài nhưng vì tính tình quá thẳng thắn, Kim Dận vẫn bị đám quan trên như bọn Trương Phụ, Hoàng Phúc không ưa. Hắn không thăng quan tiến chức được. Dù vậy, hắn vẫn được bọn chúng tin tưởng giao cho trấn nhậm thành Xương Giang, một cứ điểm chiến lược quan trọng nhất trên đường tiến lui của quân Minh. Còn Lý Nhậm là một trong những tên tướng tâm phúc nhất của Tổng binh Vương Thông. Chính Vương Thông đã dâng biểu lên vua Minh đề cử hắn sang nước ta tham chiến lần này. Tuy ở trong thành Xương Giang cùng Kim Dận liều chết cố thủ, nhưng Lý Nhậm vẫn cử người ra khỏi thành điều hai cánh quân Khoái Châu và Lạng Giang đánh tập hậu quân ta mỗi khi ta công thành. Hơn sáu tháng nay chúng phối hợp vừa đánh vừa giữ khiến quân ta phải cầm cự rất chật vật, tiến thoái lưỡng nan.

- Nguyễn Huy tử trận vì tướng giặc Kim Dận à? – Trần Nguyên Hãn nhíu mày hỏi – Sao lần trước khi ta mới đến đây các tướng lại bảo Nguyễn Huy hy sinh là vì bị giặc mai phục?

- Đúng vậy – Lê Văn Linh trả lời - bọn giặc Minh giữ thành rất xảo quyệt. Biết quân ta là quân nhân nghĩa, mỗi khi quân ta tấn công bọn giặc đều bắt dân chúng trong thành phải đứng đầy trên mặt thành che chắn cho chúng. Quân ta không nỡ hại bá tánh nên rất lúng túng khi giao chiến, nhiều lần đã áp sát được cổng thành đành phải rút lui. Khi Kim Dận mở cổng thành phía Bắc xông ra phản công, Nguyễn Huy đã dẫn cánh quân của mình lao vào quyết chiến với giặc. Khi biết đã sa vào bẫy mai phục của quân thù, Phó tướng Nguyễn Huy đã anh dũng cản đường giặc để toàn bộ lực lượng nghĩa quân rút lui an toàn về phía sau.

- Đêm nay chúng ta sẽ trả thù cho tướng quân Nguyễn Huy! Quan Tư mã, mọi công việc ngài đã chuẩn bị tới đâu rồi?

Lê Sát vội bước ra:

- Thưa Thái úy, theo lệnh của ngài tôi đã cho đắp các con đường đất nối qua các bãi lầy để quân ta và voi chiến có thể mở đường tiến nhanh hơn đến các cổng thành Xương Giang. Tôi cũng đã cho đào ba đường hầm bí mật vào thành, dự kiến đến canh ba đêm nay thì hoàn tất.

- Đào đường hầm ban đêm như vậy liệu có gây ra tiếng động khiến cho giặc phát hiện không?

- Quan Thái úy an tâm, Phó quân sư Lê Văn Linh đã điều nhiều cánh quân thay phiên nhau đến khiêu chiến trước các cổng thành đánh trống, gõ chiêng ầm ĩ để làm nghi binh đánh lạc hướng quân địch từ mấy đêm nay rồi!

- Ta xin cảm ơn sự chu đáo của các tướng quân! Nhưng đối với những tên cáo già như Kim Dận, Lý Nhậm ta nghĩ là bọn chúng cũng dư biết chúng ta đang đào đường hầm nên sẽ tìm đủ mọi cách để đối phó! Dù vậy ta vẫn bắt chúng phải phân tán, xé lẻ lực lượng ra thành nhiều hướng, phải vất vả chống đỡ một khi quân ta đã tổng tiến công.

Trần Nguyên Hãn dừng một chút rồi nghiêm giọng nói:

- Chỉ còn mười ngày nữa là mười vạn quân Minh do bọn Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh có thể đến được thành Xương Giang. Sang tiếp viện lần này, vua Minh đã cử một lực lượng tướng lĩnh thiện chiến với ý đồ thâm độc là quyết tiêu diệt sạch sành sanh nghĩa quân Lam Sơn ta. Theo quân thám báo, cầm đầu cánh quân sắp đến là ba viên tướng An viễn hầu Liễu Thăng, Bảo định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ. Cả ba tên đều rất giỏi cầm quân, đều thông thạo binh pháp, đều có kinh nghiệm công thành và đều rất độc ác. Tham mưu cho chúng lại là hai quan Thượng thư cao cấp Lý Khánh và Hoàng Phúc, rất nhiều mưu lược. Nếu chúng đến được đây mà thành Xương Giang quân ta vẫn chưa hạ xong, chúng ta sẽ bị chúng đánh kẹp vào giữa, thắng bại thế nào các tướng quân cũng đã tự hiểu! Không những chúng ta gặp nguy mà ngay cả Bình Định Vương đang vây hãm thành Đông Quan cũng sẽ gặp rất nhiều bất lợi, có thể sẽ bị chúng đẩy lùi về lại Thanh Hóa. Mọi thiên la địa võng có lợi cho quân ta do Bình Định Vương và Quân sư Nguyễn Trãi đã tốn rất nhiều công sức giăng ra bỗng chốc sẽ bị phá vỡ. Cơ hội đuổi giặc cướp nước ra khỏi bờ cõi sẽ không còn nữa… Ta không sợ chết, ta chỉ sợ là không đủ tài để hoàn thành nhiệm vụ mà Bình Định Vương đã tin tưởng giao phó.

Với tay cầm lấy hai cây cờ lệnh, Hãn gọi lớn:

- Hai tướng quân Lý Triện và Nguyễn Lý nghe lệnh! Đêm nay quân ta tổng tiến công thành Xương Giang, thế nào hai cánh quân Khoái Châu và Lạng Giang của địch cũng sẽ đến tiếp ứng đánh tập hậu quân ta. Bọn cầm đầu và binh sĩ của các cánh quân này đều là những tên lực sĩ đã được quân Minh tuyển chọn rất giỏi võ nghệ và sẵn sàng liều chết. Hai tướng quân đều là dũng tướng của nghĩa quân Lam Sơn ta, hai vị hãy đem quân của mình mai phục theo kế hoạch ta đã viết sẵn trong hai túi gấm. Với tài năng của  hai tướng quân, hai tướng quân hãy cho bọn chúng biết sự lợi hại của nghĩa quân và đem đầu của những tên hung hãn nhất về nộp cho ta!

Hai tướng Lý Triện và Nguyễn Lý cùng bước ra nhận cờ lệnh và túi gấm rồi vội vã điểm quân đi ngay. Trần Nguyên Hãn quay sang nói với Lê Sát và Lê Văn Linh:

- Đúng canh ba đêm nay, phiền quan Tư mã và Phó quân sư cho lệnh các tướng quân còn lại tổng tiến công khắp các cổng thành Xương Giang. Dù sống hay chết chúng ta cũng phải thắng bằng được trận này. Nhiệm vụ của chúng ta cực kỳ khó khăn vì Kim Dận, Lý Nhậm và binh sĩ của chúng cũng đang từng ngày đợi quân tiếp viện của Liễu Thăng đến để lật ngược tình thế, hòng tiêu diệt toàn bộ quân ta.

Phó quân sư Lê Văn Linh nói:

- Xin quan Thái úy an tâm. Quan Tư mã đã chuẩn bị rất kỹ cho trận đánh này: câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, thang mây… dùng để công thành mà quan Thái úy ra lệnh làm mấy ngày trước đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Các tướng và quân sĩ công thành đều thề chết dưới chân thành Xương Giang chứ quyết không chịu lùi bước trước quân thù.

Quan Tư mã Lê Sát cũng nói:

- Tôi sẽ thân chinh dẫn đội voi chiến công phá cửa thành phía Bắc, nơi tập trung rất nhiều quân tinh nhuệ của giặc, nhằm đánh lạc hướng giúp cho ba cánh quân cảm tử từ ba đường hầm trồi lên đánh phá trong lòng địch.

Trần Nguyên Hãn hỏi:

- Tướng quân Lê Khôi đâu?

Lê Khôi vội bước ra:

- Lê Khôi xin đợi lệnh!

- Tướng quân là hổ tướng cũng là phúc tướng của quân Lam Sơn. Còn nhớ trong trận Khả Lưu, quân ta đại chiến với quân giặc, tướng quân nghe lệnh Bình Định Vương xông ra chém rơi đầu tên tướng tiên phong Hoàng Thành của giặc, mặc dù tên này võ nghệ rất cao cường. Chưa hết, tướng quân còn cùng với các tướng quân khác vây và bắt sống được tên quan võ cao cấp Đô đốc Chu Kiệt. Quân sư Nguyễn Trãi có xem tướng cho tướng quân và nói tướng quân có tướng mạo rất tốt, sau này sẽ còn lập rất nhiều công lớn bắt được thêm nhiều tên tướng giặc cao cấp khác. Tướng quân hãy đi theo quan Tư mã tấn công từ cổng Bắc thành Xương Giang. Nếu gặp Lý Nhậm cản đường, tướng quân hãy đem hắn hoặc đầu của hắn về cho ta!

- Lê Khôi xin tuân lệnh!

Lê Khôi là cháu ruột của Bình Định Vương Lê Lợi, gọi Lê Lợi bằng chú. Võ nghệ và binh pháp Lê Khôi thông thạo được như hiện giờ chính là do Lê Lợi đã dày công dạy dỗ cho từ khi Khôi còn nhỏ. Đúng như Quân sư Nguyễn Trãi đã tiên đoán, chỉ cần vài ngày nữa cũng trên cánh đồng Xương Giang này, Lê Khôi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn sẽ bắt sống được tên Đô đốc Thôi Tụ và tên quan Thượng thư Hoàng Phúc, hai tên quan cao cấp nhất còn sót lại của đám tàn quân cứu viện, lập được nhiều công lớn. Riêng trong trận chiến đêm nay, Lê Khôi cũng trèo lên được mặt thành Xương Giang và đánh rơi gươm của tên tướng giữ thành Lý Nhậm. Không chịu đầu hàng, Lý Nhậm đành nhảy từ mặt thành xuống đất tự sát.

- Riêng ta, ta sẽ theo một cánh quân cảm tử vào thành Xương Giang bằng đường hầm! – Trần Nguyên Hãn chỉ vào bản đồ và nói – Phải ngoại công nội kích, nhiều mặt giáp công, quân ta mới có thể tiêu diệt được thành trì kiên cố và cực kỳ quan trọng này.

- Rất nguy hiểm, thưa quan Thái úy – Lê Sát và Lê Văn Linh cùng hốt hoảng nói.

- Ta biết điều đó, nhưng không lẽ các huynh đệ cảm tử quân vì nước liều mình dám xông vào nơi nguy hiểm, ta là chủ tướng và cũng là người đề ra kế hoạch đào đường hầm sao lại khoanh tay đứng nhìn? Nhiệm vụ của ba cánh quân cảm tử rất quan trọng: Vừa phải gây rối loạn hàng ngũ quân địch, vừa phải giải cứu bá tánh bị giặc bắt làm tấm khiên sống trên mặt thành, vừa phải tiêu diệt những tên quân giữ cổng thành. Và – Trần Nguyễn Hãn dừng lại rất lâu rồi mới nói tiếp – ta đoán rằng tên cáo già Kim Dận sẽ đợi ta tại nơi quân ta từ dưới đường hầm trồi lên!...

Mọi người lần lượt từ giã Trần Nguyên Hãn để về chuẩn bị cho kịp trận tổng tiến công thành Xương Giang đêm nay. Doanh trại chủ tướng chỉ còn lại một mình Trần Nguyên Hãn với ánh đèn dầu loe loét. Bỗng ở một góc nhà, một cô gái rất đẹp bận trang phục màu trắng hiện ra:

- Kính chào quan Thái úy, đã lâu rồi không gặp!

Trần Nguyên Hãn giật mình quay lại:

- Thì ra là nữ thần Bạch Dương! Thế mà thấm thoát đã mười hai năm rồi ư?

- Đúng vậy, và ta cũng không ngờ chàng đã về đầu quân cho Bình Định Vương Lê Lợi!

- Mấy năm trước, ta nhận được thư của Nguyễn Trãi khuyên ta nên về Lam Sơn tụ nghĩa. Khi gặp được động chủ Lê Lợi, ta mới biết những suy nghĩ của ta trước đây về Người là hoàn toàn sai lầm. Động chủ là người văn võ song toàn, có lòng nhân từ, biết trọng dụng người tài và luôn có quyết tâm đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước!

- Chàng nghĩ tốt về Lê Lợi như vậy ư?

Trần Nguyên Hãn gật đầu đáp:

- Khi mới về Lam Sơn, ta được tin tên ngụy quan La Thông và tên tướng giặc Minh tên là Mã Kỳ vừa đem quân đến Lam Sơn tàn sát rất nhiều người thân của động chủ Lê Lợi để trả thù. Đã thế chúng còn bắt con gái của động chủ là Lê Đào Nữ đem đi biệt tích. Trong đêm đó, khi nói chuyện với ta, tuy rất đau lòng nhưng động chủ vẫn gắng gượng trao đổi với ta rất nhiều về tình hình nghĩa quân và quân giặc. Sau này khi động chủ đã xưng vương, một người lái buôn - thật ra là một người thân tín của Bình Định Vương Lê Lợi giả dạng - về báo tin Lê Đào Nữ bị đày sang Yên Kinh làm nô tì và bị bọn giặc bên đó hành hạ cho đến chết.

- Nước mất nhà tan! Đau thương mất mát không chừa một ai! – Nữ thần Bạch Dương ngậm ngùi nói.

- Cách đây không lâu khi nghĩa quân đã lớn mạnh, ta và các tướng lĩnh có xin Bình Định Vương đem đại quân phá thành Thanh Hóa bắt tên ngụy quan Tri châu La Thông băm vằm làm trăm mảnh để trả thù. Nhưng Bình Định Vương chỉ cho vây thành Thanh Hóa, cô lập quân giặc. Còn tất cả đại quân theo Người cùng tiến ra phía Bắc bao vây bọn Tổng binh Vương Thông ở thành Đông Quan. Quân sư Nguyễn Trãi có nói riêng với ta, thành Thanh Hóa rất vững chắc lại thêm bọn La Thông đã gây ra rất nhiều tội ác nên bọn chúng sẽ liều chết giữ thành. Bình Định Vương không muốn vì chuyện riêng của Người mà làm tốn hao xương máu của tướng sĩ một cách vô ích.Với lại tấn công thành Thanh Hóa, quân ta sẽ không còn đủ lực lượng vây hãm thành Đông Quan để làm tê liệt hoàn toàn cơ quan đầu não của giặc. Dốc toàn bộ lực lượng vây thành Đông Quan sẽ có lợi cho thế trận của nghĩa quân Lam Sơn, sẽ làm cho giặc hoàn toàn lâm vào thế bị động, hơn là chỉ tập trung quân cho một thành Thanh Hóa có vị trí chiến lược không còn mấy quan trọng đối với quân ta. Một người như Bình Định Vương Lê Lợi dám gác hết mọi thù riêng, chỉ chăm lo cho việc nước; thử hỏi trên thế gian này có còn ai xứng đáng hơn để Trần Nguyên Hãn ta phải cắp gươm theo hầu?

- Chúc mừng quan Thái úy đã tìm được cho mình một minh chủ hoàn toàn xứng đáng!

- Trận chiến đêm nay sẽ rất quyết liệt, với tài phép của nữ thần, nữ thần có thể hỗ trợ cho quân ta thắng trận được không?

Nữ thần Bạch Dương mỉm cười:

- Chàng là bậc đại danh tướng, nghĩa quân Lam Sơn cũng đều là những anh hùng dũng sĩ thời nay. Nếu tiểu thần Bạch Dương ta nhúng tay vào chẳng khác nào vẽ rắn thêm chân, làm lu mờ chiến công của mọi người. Chàng yên tâm, với tài trí điều binh khiển tướng của chàng và lòng quả cảm của tướng sĩ Lam Sơn, đêm nay quân ta chắc chắn sẽ thắng trận!

- Ta vẫn có một điều băn khoăn vì sao Vương Thông lại có được hai tên tướng giỏi Kim Dận và Lý Nhậm trung thành phò trợ hắn đến như vậy?

- Chàng chớ khinh thường Vương Thông! Hắn là người Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, rất giỏi bình pháp và biết cách thu phục lòng người. Cha hắn là Vương Chân cũng là một danh tướng của quân Minh. Cha con hắn đều lập được rất nhiều chiến công khi cầm quân chinh phạt các nước láng giềng nên đều được vua Minh phong cho đến chức đô đốc. Khi sang nước ta, Vương Thông biết Kim Dận là một tướng tài nhưng không được trọng dụng, hắn liền sai người mang nhân sâm quý vượt ngàn dặm đến tận quê của Kim Dận chúc thọ cho mẹ của Kim Dận. Đồng thời hắn cũng cho người mang vàng lụa đến giúp đỡ vợ con Lý Nhậm nhằm lấy lòng tên tướng thuộc hạ có nghĩa khí này. Vương Thông không phải là kẻ kém tài, nếu có kém chỉ là kém khi so với Bình Định Vương và nghĩa quân Lam Sơn của quan Thái úy mà thôi!

- Rất cảm ơn nữ thần đã tận tình chỉ điểm!

- Ta đến gặp quan Thái úy đêm nay chỉ vì lời hứa cũ của mười hai năm về trước. Nay ta xin được lui gót để chàng còn kịp lo việc quân. Xin cáo biệt!

Trần Nguyên Hãn vội nói:

- Khoan! Xin nữ thần cho Trần Nguyên Hãn ta hỏi một câu: Mười hai năm nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau?

- Sợ rằng ta sẽ phải gặp chàng sớm hơn! – Nữ thần Bạch Dương khẽ thở dài – Thiên cơ bất khả lậu, ta chỉ cho chàng biết một tin vui, đất nước Đại Việt ta sắp sửa thấy lại ánh mặt trời rồi…

Nói xong nữ thần Bạch Dương từ từ tan biến đi trong ánh mắt đầy ưu tư của Trần Nguyên Hãn…


(còn tiếp)

2016

Thanh Trắc Nguyễn Văn




------------------------------------------------------------------------------
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 1)
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 2)
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 3)
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 4 - Hết) 
 
Ghi chú: ảnh YẾM VÀ SEN của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định, những ảnh minh họa còn lại sưu tầm từ internet

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)