Lễ hội đầu xuân và những hạt sạn
Nhiều du khách vào chùa vẫn mang dép dù có bảng cấm |
LỄ HỘI ĐẦU XUÂN VÀ NHỮNG HẠT SẠN
Lại một mùa xuân thanh bình nữa đã và đang đi qua trên đất nước ta. Đầu xuân đi lễ hội, đi chùa là một nét văn hóa rất đẹp của người Việt đã có từ thời xa xưa. Những người đi lễ hội đều có những ý nguyện rất chung: một là tham quan danh lam thắng cảnh của quê hương; hai là vì tín ngưỡng, ba là cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc và cầu lộc cho gia đình. Rất tiếc do ý thức văn hóa của người dân quá kém và tệ hại hơn là ngày lại càng đi xuống nên vô tình nhiều người, trong đó đa phần là các bạn trẻ, đã bộc lộ những thể hiện rất xấu và rất phản cảm khiến nhiều người phải ngán ngẩm.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng) là một nơi nổi tiếng thanh tịnh với nét đẹp không gian tĩnh mịch và tôn nghiêm. Nhưng đầu năm nay các nhà sư trong chùa Linh Quy Pháp Ấn đã phải “khóc ròng” vì rất nhiều khách thập phương đi lễ chùa mà hoàn toàn không có cái tâm của một người Phật tử chân chính. Nhiều cô gái rất xinh đẹp, chân dài nhưng lại bận những chiếc váy ngắn “rất gợi cảm” khi vào chùa, mặc dù trước cổng chùa đã có bảng cấm. Một người bạn của tôi đã nói nửa đùa nửa thật: “Các cô xinh đẹp như thế sao không rủ nhau đi quyến rũ các đại gia, lại cứ đi gây “xao xuyến” làm chi cho những người đã tu hành?”. Tôi đã từng được nghe một vị cao tăng giảng: Khi đi lễ chùa nếu ăn mặc gợi cảm quá mức sẽ vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, dù người đó có mất công thờ cúng cũng không có ích gì!
Những người đẹp váy ngắn |
Chưa hết rải rác trong sân chùa có rất nhiều cặp nam nữ “vô tư” ôm nhau để thể hiện tình cảm hoặc chụp hình tự sướng. Họ hầu như đã quên họ đang ở đâu và đến chùa để làm gì? Một vấn nạn nữa không phải riêng chỉ có ở chùa Linh Quy Pháp Ấn mà hầu hết các chùa trên đất nước Việt Nam khác đều bị ảnh hưởng đó là nạn du khách xả rác bừa bãi. Đầu năm, gia đình tôi có đến chùa Phước Hải (ở tp. Hồ Chí Minh, ngôi chùa đã được tổng thống Obama thăm viếng khi ông sang Việt Nam), tuy hầu hết người đi lễ chùa đều rất nghiêm túc nhưng do số lượng khách quá đông nên đã không tránh được nạn chen lấn, xô đẩy khi cùng xếp hàng vào chánh điện. Trong sân chùa có một cái hồ lớn nuôi cá và rùa, thật đáng buồn khi trên mặt nước vẫn còn có những chai lọ nước uống bằng nhựa không biết của ai đó đã tiện tay ném xuống mặc dù thùng rác đặt cạnh đó không xa!
Nổi cộm hơn, cũng đầu năm nay ở chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), nơi có pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được khánh thành vào đầu tháng 12 năm 2013. Theo các nhà nghiên cứu sử học Trần Nhân Tông là vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo dân quân nước Đại Việt hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông xâm lược. Khi về già ông đã từ bỏ ngôi báu để đi tu và ông cũng chính là vị tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Pho tượng của Phật hoàng được đúc bằng đồng nguyên khối, cao 15 m, nặng 138 tấn, tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh có độ cao 900 m so với mặt nước biển. Lễ hội ở chùa Đồng Yên Tử sẽ kéo dài suốt ba tháng trong mùa xuân và được dự kiến sẽ có hơn 2 triệu du khách đến viếng. Người đông nên chen lấn và hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi. Điều đáng nói ở đây là có rất nhiều khách viếng chùa đem tiền xoa lên đại hồng chung và khánh đồng tại chân tượng Phật hoàng với ý nghĩ rất ngô nghê là cầu may! Tệ hơn cũng có rất nhiều người ném những tờ giấy tiền thật lên mái chùa hoặc giắt vào các kẽ dưới mái hoặc vách chùa tạo nên một bức tranh cực kỳ bôi bác và phản cảm. Để biết đúng hay sai chúng ta hãy cùng đọc những dòng sau đây nói về những quy định trong việc dâng lễ vật cúng dường tại chùa chiền do một trang web Phật giáo hướng dẫn:
“1. Khi đến dâng hương ở các chùa nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh.
2. Việc sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại bàn thờ hay điện thờ mà thôi.
3. Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.
4. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức. Tuyệt đối không nên đi “rải” tiền trên tất cả ban thờ, đặt vào tay tượng.”
Tệ nạn giắt tiền lên mái chùa để cầu may |
Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) của Việt Nam. Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần bất khuất, chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hội Gióng mỗi năm thường được tổ chức ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Trong hội Gióng có nghi lễ dâng hoa tre lên đền Thượng của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) được tổ chức đầu tiên. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu tre tuốt bông và nhuộm màu tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Sau khi dâng lên đền Thượng xong những hoa tre sẽ được rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội để cầu may. Tuy gọi là “phát” nhưng thật ra là “tung” ra giữa sân đền cho hàng nghìn người đang đợi sẵn xung quanh sân xông vào cướp giật để mong có được sự may mắn trong năm. Theo nhiều người đây là cảnh quen thuộc của hội Gióng hàng năm, người đi lễ gọi là “cướp lộc”! Cảnh tượng vẫn thường thấy trong khi xảy ra “cướp lộc” là hoàn toàn bát nháo. Một đám rất đông người đầu tóc rối bù, áo quần xốc xếch tranh giành hỗn độn, la hét ầm ỷ, giẫm đạp lên nhau khiến cho nét đẹp văn hóa của hội Gióng hầu như bị tổn hại rất nhiều… Tôi không hiểu sao cho đến bây giờ vẫn còn có nhiều người cạn nghĩ đến như vậy. “Lộc” phải dùng “bạo lực”, “mạnh được yếu thua” kiểu ăn cướp để có được, xin hỏi có còn xứng đáng là lộc của thánh ban cho hay không?
Chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương là miền đất Phật, là nơi Bồ Tát Quan Thế Âm tu hành. Hương Sơn ngoài các chùa thờ Phật, còn có nhiều đền thờ các thần thánh khác như bà chúa Thượng Ngàn (đền Cửa Vòng), thần Hổ (đền Trình)… Sáng ngày 2 tháng 2 (mùng 6 Tết) năm nay, hội chùa Hương đã chính thức khai hội và cũng như những năm trước lại tái diễn cảnh khách thập phương leo tường, giẫm đạp cây cỏ xung quanh chùa - mặc dù đã có lực lượng bảo vệ kiên quyết ngăn cản - để tìm mọi cách lọt được vào trong chùa. Trước đó một ngày (ngày 1 tháng 2), chỉ vì chen lấn khi đi chùa Hương bà cụ Phạm Thị L. (ở phường Phúc La, quận Hà Đông) đã vô tình giẫm lên chân một cô gái trẻ. Thế là nhóm thanh niên đó gồm hai cô gái và một chàng trai đã lao vào xô xát với bà cụ khiến bà cụ bị ngất phải khiêng đi cấp cứu. Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã phải vào cuộc và xử phạt hành chính nhóm thanh niên nói trên. Than ôi, đến đất Phật để một lòng hướng Phật mà tâm vẫn còn mang nặng Tham – Sân – Si như thế thử hỏi Phật, Trời nào chứng giám cho?
Để vào được chùa Hương, nếu đi theo đường thủy, khách phải đi thuyền từ bến Đục trên dòng Suối Yến khoảng 4km. Đi trên thuyền (chèo tay) cũng mất khoảng một tiếng, khá lâu và quãng đường sông cũng khá dài. Rảnh rỗi sinh nông nổi, nhiều nam thanh nữ tú khi ngồi trên thuyền đã rủ nhau mở sòng bài sát phạt cho mau qua thời gian. Tuy có nhóm bạn chỉ là đánh chơi cho vui, nhưng đến viếng đất Phật mà đem một trong “tứ đổ tường” ra để giải trí thì quả thật là “cạn lời”! Suối Yến Vĩ (tên khác của suối Yến) theo tôi là nước khá sâu, nhưng hầu hết các thuyền chở kín người (ngày 1 và ngày 2 tháng 2) đều không có áo phao phát cho khách. Nhiều khách rất lo sợ nhưng vẫn “uống thuốc liều” lên thuyền và thuyền vẫn xuất bến. Theo tin được biết năm nay những chiếc đò chở khách tham quan ở chùa Hương phải trang bị hệ thống áo phao, vật nổi mới được chở khách. Đến ngày 3 tháng 2, tình hình phát áo phao cho khách đã có phần khá hơn, đó cũng là nhờ sự kiểm tra quyết liệt của chính quyền địa phương.
Lễ hội đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Điều này không một ai có thể phủ nhận được. Để cho những lễ hội đất nước ngày càng có ý nghĩa hơn, rất mong mỗi người trong chúng ta nên bớt cái tôi ích kỷ để cùng những người khác xây dựng một nếp sống cộng đồng văn hóa Việt: biết xếp hàng, biết nhường nhịn, biết tôn trọng phụ nữ, biết kính trọng người lớn tuổi, biết thương yêu trẻ em, biết tuân theo những quy định của nơi chúng ta sẽ đến, đừng tự biến mình thành những người Việt xấu xí (những điều này ai cũng biết nhưng lại không muốn thực hiện!). Ban tổ chức các lễ hội và chính quyền địa phương cũng cần nên phối hợp và điều nghiên những phương án sao cho những lễ hội của quê hương ngày càng tạo thêm được nét hấp dẫn và sự yêu mến của các du khách trong và ngoài nước.
2017
(Tuần báo Văn Nghệ tp.HCM số 437, ra ngày 16.2.2017)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Thuyền đưa khách đi chùa không phát áo phao |
---- --------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết đã đăng trên Tuần báo Văn Nghệ tp.HCM số 437, ra ngày 16.2.2017
* Bài thơ đã đăng trên Tạp chí Xây Dựng Đời Sống Văn Hóa số 177, năm 2017
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Nhận xét
Đăng nhận xét