Cô giáo Ngọc Giang và món xôi Trạng Nguyên

Xôi Trạng Nguyên do cô giáo Ngọc Giang nấu.































CÔ GIÁO NGỌC GIANG VÀ MÓN XÔI TRẠNG NGUYÊN 

Cứ đến tháng 5, cô Nguyễn Thị Ngọc Giang, giáo viên dạy môn địa lý Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lại làm vài đĩa xôi đem vào lớp đãi học sinh của mình.

Là giáo viên dạy môn địa nhưng cô Ngọc Giang rất thích nấu ăn, những món ăn cô làm vừa được trang trí rất khéo vừa rất ngon miệng, không kém gì những đầu bếp thực thụ ở các nhà hàng. Người viết là một trong những người đã may mắn được thưởng thức những “tuyệt phẩm ẩm thực” của cô. Chỉ là những món ăn dân dã, nguyên liệu thực phẩm rất dễ kiếm nhưng nói chung đều rất tuyệt vời!

“Đậu”, “đỗ” và sự tự tin

Món ăn cô đãi học trò vừa mang tính chúc phúc cho các em sẽ vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 đầy căng thẳng sắp tới, vừa giúp tình cô trò thêm đậm đà, vừa lưu lại một kỷ niệm khó quên cho các học sinh của cô sau ba năm gắn bó học tập đầy thân ái dưới một mái trường chung.

Món xôi được cô đặt một cái tên khá ấn tượng, đó cũng là kỳ vọng của cô đối với các học trò cô yêu thương: xôi Trạng Nguyên. Nguyên liệu chính của món xôi Trạng Nguyên là đậu xanh được bóc vỏ, cho vào ngâm nước khoảng năm tiếng. Miền Nam gọi là “đậu”, còn miền Bắc gọi là “đỗ”.

Nhưng dù “đậu” hay “đỗ”, cái tên cũng vẫn hướng đến một ý nghĩa rất dễ thương là khi ăn món xôi này, các em sẽ có thêm tự tin, thêm may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong thi cử. Ngoài đậu xanh, cô Ngọc Giang cho biết cần phải có thêm gạo nếp cái hoa vàng, nước cốt dừa để pha chế cùng với một ít muối và đường để làm xôi.

Xôi đã nấu xong, bày ra đĩa rồi nhưng vẫn chưa đủ. Theo cô Ngọc Giang, có những món ăn ngon nếu biết khéo léo bày biện và trang trí sẽ tạo cho người ăn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về ẩm thực. Cô rất mong muốn khi thưởng thức món xôi, các học trò của cô sẽ ít nhiều nhớ về cội nguồn của dân tộc.













































Món ăn quý

Trong xôi có nếp, nếp chính là “hạt ngọc trời” mà trong truyện cổ tích Bánh chưng bánh giầy thời vua Hùng, một vị thần đã mách cho hoàng tử Lang Liêu làm nên món ăn truyền thống nổi tiếng bánh giầy (tròn tượng hình trời), bánh chưng (vuông tượng hình đất) của người Việt cổ.

Với đôi bàn tay tài hoa của mình, một củ su hào dùng làm đầu rùa, chả lụa và lạp xưởng dùng làm bốn chân và mai rùa, cô Ngọc Giang đã tạo hình đĩa xôi thành một chú rùa rất dễ thương. Tại sao lại là một chú rùa? Cô giải thích rùa là một trong tứ linh “long - lân - quy - phụng” của văn hóa dân gian. Rùa (quy) tượng trưng cho sức khỏe, tuổi thọ. Rùa còn tượng trưng cho sự nhẫn nại, chăm chỉ trong học tập của con người. Rùa cũng là linh vật tôn vinh các bậc tri thức nho học thời phong kiến.

Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) có 82 tấm bia đá tiến sĩ, ở Văn Miếu Huế do chiến tranh nhiều năm tàn phá vẫn còn lại 32 tấm bia tiến sĩ làm bằng đá cẩm thạch. Và dưới những tấm bia đá mà người xưa tôn vinh truyền thống coi trọng người tài, coi trọng sự khuyến học của ông cha ta thời phong kiến là những chú rùa đá cần mẫn không quản ngày đêm, dãi dầu mưa nắng “đội” bia đã hàng mấy trăm năm.

Trong truyền thuyết, thần Kim Quy (thần Rùa Vàng) luôn là một vị thần hộ quốc, luôn gắn bó với dân tộc Việt của chúng ta. Thời vua An Dương Vương, thần Kim Quy đã giúp vua dựng nước và đặc biệt giúp vua xây dựng thành Cổ Loa (thành Ốc) vừa độc đáo vừa kiên cố. Thần cũng giúp vua chế tạo nỏ thần có thể bắn ra một phát với hàng trăm mũi tên đồng khiến quân cướp nước phải run sợ.

Khi vua An Dương Vương bại trận mất nước, thần Kim Quy lại hiện lên cảnh tỉnh nhà vua cũng như nhắn nhủ người đời sau với câu nói nổi tiếng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó”.

Và hơn một ngàn năm sau, thần Kim Quy cũng đã vâng lệnh Lạc Long Quân dâng gươm thần Thuận Thiên cho vua Lê Lợi, giúp ông đánh đuổi giặc Minh ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, chấm dứt một thời kỳ đen tối của nước Đại Việt...

Được thưởng thức một đĩa xôi đậm đà hương vị dân tộc, lại được biết thêm những triết lý sâu sắc mà người nấu xôi đã gửi gắm trong món ăn thật là thú vị. Cô Ngọc Giang đã tặng cho học trò một món ăn rất quý, một món ăn đầy đủ cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Nhiều học sinh cũ  thành đạt về thăm lại trường, mỗi khi nhắc đến cô Ngọc Giang lại nhắc đến món xôi Trạng Nguyên mà họ đã được ít nhất một lần nếm qua ngày xưa. 


Năm nay khi ngày thi Tốt nghiệp đã gần kề, ngoài việc ôn tập cho học sinh, cô Ngọc Giang có lẽ  lại đang chuẩn bị tất bật để nấu lại món xôi mà cô đã tốn rất nhiều tâm huyết: món xôi Trạng Nguyên!

2017
(Báo Tuổi Trẻ ngày 10.5.2017)

Thanh Trắc Nguyễn Văn




Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Giang năm 2017





























----------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 10.5.2017
* Bài đã đăng trên Tuần báo Văn Nghệ tp.HCM số 458, ngày 13.7.2017

Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Nhận xét

Entri Populer

Tục ngữ về Mùa Hè

Ca dao về địa danh Bắc Ninh

Ca dao về địa danh Quảng Nam - Đà Nẳng (3)